Sáng kiến cộng đồng

View Original

Ý tưởng “Máng ăn cho heo tự động” đạt giải

Vừa trở về từ cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc 2017” diễn ra tại Hà Nội, bạn Phạm Minh Công (sinh viên năm 5, Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) là đại diện duy nhất của miền Trung đã giành giải Ba với ý tưởng “Máng ăn cho heo tự động” giúp người nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Từ ý tưởng đầy táo bạo

Nói về ý tưởng lập nghiệp táo bạo này của mình, bạn Phạm Minh Công chia sẻ: “Mình xuất thân từ một gia đình có truyền thống chăn nuôi heo hơn 20 năm. Được sinh ra và lớn lên bên những lứa heo, mình hiểu phần nào những khó khăn vất vả mà người nuôi heo gặp phải.

Đặc biệt, cuối năm 2012, khi bước chân vào giảng đường đại học, gia đình mình lại tăng thêm số lượng đàn heo nên công việc ngày càng vất vả, tốn thời gian mà hiệu quả lại không cao.

Là sinh viên ngành tự động hóa, mình tự thôi thúc bản thân phải tạo một sản phẩm nào đó giúp đỡ ba mẹ không phải tốn nhiều thời gian, vất vả cho heo ăn đúng bữa, đúng số lượng thức ăn mà heo vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng tốt”.

Ý tưởng hình thành từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2016 Công mới tìm được người bạn đồng hành để nghiên cứu cụ thể và hoàn thiện dự án.

Khác với các sản phẩm máng heo thông thường hiện nay, “Máng ăn cho heo tự động” của sinh viên Phạm Minh Công mang những tính năng vượt trội như: cung cấp thức ăn đủ khối lượng cần thiết và đúng thời điểm, được điều khiển hoàn toàn tự động nên dễ dàng sử dụng và quản lý mà không cần người chăm sóc.

Từ đó, người chăn nuôi có thể tiết kiệm được 10% lượng thức ăn hao phí (so với máng heo thông thường), giảm thiểu nhân công và theo dõi được chính xác lộ trình dinh dưỡng của heo để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ xuất chuồng.

Sản phẩm “Máng ăn cho heo tự động” bao gồm phần cơ khí và bộ điều khiển tự động. Trong đó, phần cơ khí là chiếc máng cho heo ăn và bồn chứa thức ăn, bộ điều khiển tự động gồm màn hình LCD có giao diện đơn giản cùng bộ bàn phím để người nông dân dễ dàng nhập 4 thông số: số bữa ăn, số lượng thức ăn, thời gian ăn đầu tiên và thời gian ăn cách nhau.

Đối với những trang trại chăn nuôi lớn, sản phẩm sẽ được nâng cấp với phiên bản cao hơn và thực hiện hoàn toàn trên máy tính chủ. Từ đó, tất cả các bộ điều khiển của những máng heo tự động sẽ được kết nối Wi-Fi hoặc Internet để truyền về máy chủ.

Nhờ vậy, việc quản lý số lượng lớn đàn heo cũng trở nên dễ dàng hơn và người nông dân không cần phải trực tiếp đến từng chuồng trại để kiểm tra, theo dõi.

Những nỗ lực cố gắng của Minh Công cũng đã được đền đáp xứng đáng từ khi bạn đạt giải Ba tại cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên Toàn quốc 2017". Tại cuộc thi, dự án đã được Ban giám khảo đánh giá giàu tiềm năng, dễ ứng dụng.

Nếu được đầu tư tốt sẽ mở ra triển vọng thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, giúp bà con nông dân đạt hiệu quả hơn trong hoạt động chăn nuôi.

Đến với con đường lập nghiệp

Có dịp được đến với các trang trại chăn nuôi ở nhiều tỉnh miền Nam và ở quê nhà (Quảng Nam), Minh Công nhận thấy hầu hết người nông dân nơi đây cũng đều gặp những khó khăn như ba mẹ mình đã gặp phải.

Đồng thời, mọi người cũng mong muốn được chuyển đổi từ lao động tay chân sang máy móc để đỡ vất vả mà tiết kiệm được thời gian. Qua đó, chàng sinh viên với ý tưởng “Máng ăn cho heo tự động” chính thức bắt đầu đưa sản phẩm vào con đường lập nghiệp đầy triển vọng.

Là một sinh viên tuổi còn rất trẻ, Minh Công không tránh khỏi những khó khăn khi bắt đầu theo đuổi con đường lập nghiệp. “Những ngày đầu cho ra đời sản phẩm đầu tay, mình và và các bạn trong nhóm đều gặp khó khăn về vấn đề kinh phí.

Tụi mình chỉ mua được những vật dụng và linh kiện giá rẻ để chế tạo, nên sản phẩm còn khá thô sơ. Nhóm đã mang sản phẩm đến Vườn ươm doanh nghiệp để được tham gia vào khóa ươm tạo nhưng 2 lần đều thất bại vì chưa đủ thuyết phục.

Hơn nữa, việc học ở trường cũng chiếm khá nhiều thì giờ nên thời gian cho phát triển sản phẩm cũng khá hạn hẹp”.

Sau đó, chàng sinh viên trẻ này đã mang sản phẩm về quê nhà ở các trang trại của xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam để chạy thử nghiệm và tiếp tục cải tiến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Trưởng thành hơn sau những cuộc thi và những lần thử nghiệm sản phẩm trên thực tế, Minh Công đã thuyết phục được Ban giám khảo Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng đưa sản phẩm vào ươm tạo tại khóa 3. Nhờ vậy, chàng sinh viên xứ Quảng cùng các bạn trong nhóm đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE.

“Nhóm mình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tư vấn về pháp lý cũng như được đào tạo những kỹ năng cần thiết về đầu tư, kinh doanh từ Vườn ươm. Hy vọng, nơi đây sẽ giúp ý tưởng lập nghiệp của mình được chắp cánh bay cao và vươn xa hơn”, Minh Công chia sẻ.

Về những dự định trong tương lai, Minh Công tiết lộ: Giai đoạn đầu, khách hàng của SE là các hộ/trang trại chăn nuôi tầm trung (50 - 100 con heo) ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Sau đó sẽ hướng đến mở rộng thị trường tại các trang trại chăn nuôi lớn hơn (trên 200 con) ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Trong định hướng dài hơi, SE muốn có mặt trên khắp lãnh thổ Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khác như Lào, Campuchia,…

Khách hàng và thị trường của SE không chỉ là sản phẩm phục vụ trong chăn nuôi heo, SE đang nghiên cứu đưa ra các sản phẩm có tính năng tương tự và phục vụ cho các ngành chăn nuôi khác như bò, gà, cá…Ngoài ra, các thú cưng nuôi trong nhà cũng là một trong những đối tượng SE nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Trước đó, sản phẩm “Máng ăn cho heo tự động” của sinh viên Phạm Minh Công đã lọt top 20 Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” do BSA phối hợp với hội Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao tổ chức; lọt vào top 30 dự án xuất sắc tham dự cuộc thi “TECHFEST 2016” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức; lọt top 100 dự án lập nghiệp tiêu biểu của cả nước do chương trình truyền hình thực tế  “Shark Tank Việt Nam” lựa chọn; tham gia “Ngày Hội Lập nghiệp - Startup Day 2016”,..

Theo Ictnews