Sáng kiến cộng đồng

View Original

Ngạc nhiên với sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh trung học

Sản phẩm thông minh bảo vệ sức khỏe cho người lớn

Smart Ring - chiếc nhẫn thông minh theo dõi, tầm soát và cảnh báo nhồi máu cơ tim của hai học sinh Lê Quốc Bảo, Vương Lâm Thanh Thảo, Trường THPT Võ Văn Kiệt được khá nhiều người chú ý bởi nó có thể nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc nhằm không để nhịp tim vượt quá ngưỡng cho phép; khi cần, nó có thể cảnh báo mọi người xung quanh, nhắn tin, gọi điện báo cho bác sĩ điều trị và người thân bệnh nhân biết vị trí hiện tại của bệnh nhân; chiếc nhẫn còn có thể hướng dẫn cách cấp cứu đúng cách; tự động chuyển hướng cuộc gọi cho bác sĩ, trung tâm cấp cứu khi gọi cho người thân bệnh nhân không được. 

Cũng giống như chiếc nhẫn thông minh, các em Nguyễn Hoàng Anh, Trịnh Mai Anh, Trường THPT Nhân Việt chế ra chiếc thắt lưng cảnh báo đột quỵ và định vị người dùng qua smartphone. Sản phẩm được  thiết kế như một chiếc thắt lưng bình thường, nhưng có thể đo điện tim, nhịp tim.

Thắt lưng sẽ đo điện tim và kết nối với website qua GPRS. Mỗi 30 giây, thắt lưng gửi dữ liệu nhịp tim 1 lần, phần mềm lưu trữ và vẽ đồ thị. Khi nhận được tin nhắn, module sim thực hiện và gửi về kết quả cho người thân. 

Hai em Ngô Thảo Vân và Trần Thị Lê Xuân, Trường THPT Gia Định đã nghiên cứu tìm cách đẩy nhanh quá trình tái tạo vùng da bị tổn thương bằng dịch nhờn ốc sên.

Theo các em, tính mới của đề tài là: đa số thành phần sử dụng đến từ thiên nhiên; thành phần chủ yếu là dịch nhờn ốc sên, chưa được khai thác triệt để trong việc thúc đẩy tái tạo da. Ngô Thảo Vân cho biết: “Chúng em đã phát hiện ra khả năng chữa lành vết thương hiệu quả từ dịch nhờn ốc sên. Sản phẩm có thể bôi trực tiếp lên bề mặt vết thương mà không cần băng bó lại”.

Các em đã mang sản phẩm đi kiểm tra tại Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và nhận được các thông số chứng minh độ an toàn và quy trình thực hiện sản phẩm đều đảm bảo cho người sử dụng.

Robot của học sinh phổ thông

Hàng ngày đi học, thấy nhiều người bị đoạn chi, di chuyển, hoạt động khó khăn, các em Nguyễn Lâm Tường và Huỳnh Thiện Tài, Trường THPT Marie Curie đã suy nghĩ giải pháp để giúp họ: chế tạo một cánh tay robot hỗ trợ cho người khuyết tật có thể hoạt động như bình thường.

Nguyễn Lâm Tường cho biết: “Sau 2 tháng làm việc khẩn trương, nhóm chúng em đã hoàn tất một cánh tay robot hỗ trợ cơ chế vận động cho người khuyết tật thông qua điều khiển bằng chân và cử động của đầu.

Cánh tay robot có thể thao tác công việc như người bình thường, từ đó họ sẽ cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn”. Huỳnh Thiện Tài giải thích thêm, cánh tay robot có thể thay thế hầu hết các cử động của con người, có thể thực hiện các chuyển động như cầm, nắm, nâng vật, lau nhà, quét nhà...

Các em đã thực hiện một số phần mềm mô phỏng, khi liên kết với cánh tay đã hoạt động nhịp nhàng, linh hoạt, việc điều khiển đơn giản, dễ dàng, không cần nhiều thời gian để học cách sử dụng.

Cùng lĩnh vực robot, nhưng Võ Hiếu Linh và Nguyễn Hữu Huy, học sinh Trường THPT Gia Định đi theo hướng khác khi quyết định chế tạo cánh tay robot mô phỏng cử động bàn tay dùng trong phẫu thuật y sinh.

Robot hỗ trợ công tác phẫu thuật, nghiên cứu điều khiển từ xa, giúp hạn chế rủi ro trực tiếp cho con người, có thể ứng dụng trong ngành y tế và công nghiệp hóa chất. Bao tay có gắn cảm biến uốn cong và cảm biến gia tốc. Smartglass hiển thị dữ liệu nhịp tim và nồng độ oxy trong máu lên màn hình oled, thông báo cho người dùng. Cánh tay robot nhận dữ liệu thông qua tín hiệu không dây và cử động theo chuyển động của bàn tay người mang bao tay.

Dùng khoa học giải quyết vấn đề của chính mình

Thường xuyên là nạn nhân của tình trạng thiếu ngủ, nên khi suy nghĩ tìm đề tài để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, hai em học sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, Trường THPT Gia Định đã chọn thực hiện đề tài “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT”.

Có hơn 7.300 học sinh các trường THPT tại TP.HCM tham gia khảo sát, kết quả, hơn một nửa cho biết ngủ khá muộn, thường là sau 23 giờ và 20% sau 0 giờ; sáng hôm sau phải thức dậy lúc 5 giờ 30 đến 6 giờ để kịp đến trường. Do đó, hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng.

Những con số trên cho thấy thực trạng thiếu ngủ của học sinh THPT ở thành phố đang ở mức báo động. Nguyên nhân, theo nghiên cứu này là thời gian làm bài tập, học bài ở nhà, thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi quá nhiều. Ngoài ra, áp lực căng thẳng từ cuộc sống, học hành cũng tác động không nhỏ đến giấc ngủ học sinh.

Bên cạnh đó, 5.000 học sinh được hỏi cho rằng việc lên mạng sử dụng Facebook, Instagram, Youtube... cũng làm giảm thời gian dành cho việc ngủ. Hai học sinh đã đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng trên, chính từng cá nhân học sinh phải có phương pháp sắp xếp thời gian học hành, vui chơi hợp lý để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Các em cũng đề xuất 3 giải pháp khác, gồm: lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và giảm bớt bài tập về nhà. 

Anh Thư - Khoa học phổ thông

See this gallery in the original post