Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sinh viên Đại học Hàng hải chế hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ

 Khi xảy ra sự cố, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo đến đèn báo, còi báo, hiển thị vị trí đang xảy ra sự cố trên màn hình đặt bên ngoài mặt tủ báo cháy. Đồng thời, hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng giọng nói qua loa phát thanh, để người dân tìm lối thoát hiểm an toàn.

Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật để điều khiển và giám sát

"Bằng việc ứng dụng hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), chúng tôi đã phát triển hệ thống báo cháy mới, khắc phục được những nhược điểm vốn có của các thiết bị trên thị trường hiện nay”, Lưu Văn Thủy, thành viên nhóm, cho biết.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy.

Phải mất hơn nửa năm nhóm sinh viên mới thực hiện xong đề tài này. Nhóm đã xây dựng và phát triển hệ thống báo cháy sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để điều kiển và giám sát. Khi có cháy nổ xảy ra, hệ thống sẽ kịp thời báo động, hướng dẫn thoát hiểm, hỗ trợ công tác chữa cháy hiệu quả nhất.

Ngoài ra, hệ thống còn báo chính xác nơi xảy ra cháy bằng giọng nói, giúp ổn định tâm lý người dân để tìm được lối thoát hiểm an toàn.

Nhóm nghiên cứu và Thầy hướng dẫn triển khai đề tài hệ thống báo cháy.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành chạy thử nghiệm nhiều lần để cải tiến và khắc phục những hạn chế của hệ thống. Các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, sản phẩm của đề tài đáp ứng rất tốt các yêu cầu đặt ra. Hệ thống có thể được triển khai lắp đặt cho những công trình quy mô vừa.

Khi xảy ra sự cố, module sẽ phát tín hiệu cảnh báo đến đèn báo, còi báo, hiển thị vị trí đang xảy ra sự cố bằng một màn hình cảm ứng 7 inch bên ngoài mặt tủ báo cháy. Tủ báo cháy sẽ nhận tín hiệu và xử lý tín hiệu được đưa về từ các cảm biến, đồng thời phát cảnh báo âm thanh bằng giọng nói qua loa phát thanh.

Giao diện báo cháy hiển thị trên điện thoại thông minh.

Hơn thế nữa, nhóm đã xây dựng thành công một ứng dụng để biến một máy tính bình thường thành một máy tính chủ. Máy chủ này sẽ thu thập dữ liệu thời gian thực từ tủ báo cháy trung tâm để đưa lên mạng Internet.

Rẻ hơn hệ thống nhập ngoại

Ở bất kì đâu, bất kì lúc nào, người sử dụng bằng các thiết bị của mình như: laptop, điện thoại, PC... có kết nối Internet đều có thể truy cập để giám sát và điều khiển hệ thống.

Thủy cho hay, với giá thành chỉ 10 triệu đồng, hệ thống rẻ hơn các thiết bị báo cháy nhập ngoại. Hệ thống còn có thể thay thế kết cấu phù hợp hơn tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

 Việc xây dựng một hệ thống báo cháy sử dụng Internet là rất cần thiết và quan trọng. Qua đó, tạo ra một cổng báo cháy điện tử giúp cho người vận hành và cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát khi có sự cố và tìm cách khắc phục nhanh nhất nhằm giảm thiểu tổn thất về tính mạng và tài sản.



Chạy thử nghiệm hệ thống.

Sắp tới, nhóm hướng đến xây dựng một hệ thống báo cháy địa chỉ để có thể mở rộng số lượng cảm biến, từ đó, tăng phạm vi hoạt động của hệ thống.

ThS. Đoàn Hữu Khánh, thầy giáo hướng dẫn, cho biết đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên mang tính thời sự và thực tiễn.

“Trong suốt quá trình nghiên cứu, các thành viên trong nhóm đã tích cực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học vào việc thiết kế và chế tạo thử nghiệm hệ thống báo cháy để giải quyết một vấn đề cấp thiết của xã hội. Hệ thống báo cháy có nhiều cải tiến so với các hệ thống báo cháy từ đơn giản đến hiện đại đang có trên thị trường hiện nay”, ThS Khánh chia sẻ.

Mới đây, đề tài nghiên cứu, chế tạo hệ thống báo cháy và xây dựng ứng dụng IoT để giám sát và điều khiển hệ thống của nhóm sinh viên này đã giành giải Nhì giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018” do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức.

N.T

 

See this content in the original post