Gậy dẫn đường thông minh dành cho người khiếm thị
Di chuyển trên đường phố đông đúc luôn là thách thức với người khiếm thị. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hạn chế này sẽ được giải quyết phần nào với chiếc gậy chỉ đường thông minh, do 2 học sinh Trung học phổ thông (High School) người Ai Cập nghiên cứu và phát triển.
Cảm biến được kết nối với tai nghe và sẽ ngay lập tức cảnh báo cho người dùng về các chướng ngại vật trên đường, bằng ngôn ngữ Ả rập.
Với hình dạng và kích thước gần giống gậy chỉ đường truyền thống, loại gậy thông minh mới được trang bị cảm biến và hệ thống theo dõi GPS.
Cảm biến được kết nối với tai nghe và sẽ ngay lập tức cảnh báo cho người dùng về các chướng ngại vật trên đường, bằng ngôn ngữ Ả rập.
Người dùng cũng có thể gọi điện hoặc gửi địa chỉ cho người thân trong trường hợp khẩn cấp nhờ GPS.
Sản phẩm gậy chỉ đường thông minh này của Ziyad Othman và Ahmed Nabil đã được vinh danh vị trí á quân, trong cuộc thi phát triển phần mềm được tổ chức tại đại học Ain Shams.
Tác giả của gậy thông minh, Ziyad Othman cho biết, gậy chỉ đường này thông minh đúng như tên gọi của nó: “Công nghệ GPS giúp điều dưỡng viên định vị được vị trí của người sử dụng gậy thông qua một app cài đặt trên điện thoại thông minh. Trong khi đó, người khiếm thị cũng có thể gọi điện cho người thân, bằng cách bấm vào một chiếc nút ở ngay trên thân cây gậy. Cũng chính cái nút này sẽ giúp họ nhận và gọi điện thoại cho người thân”.
Trong khi đó, Ahmed Nabil đồng tác giả của gậy thông minh lại nhấn mạnh về tính ưu việt của cây gậy chỉ đường này so với những cây gậy chỉ đường thông thường: “Cây gậy này rất đặc biệt. Nó có những tính năng khác biệt và vượt trội so với những cây gậy chỉ đường khác vì nó được trang bị hệ thống định vị GPS. Cùng lúc, nó còn được gắn thêm những cảm biến giúp gậy có thể xoay 180 độ về mọi hướng. Những trang bị này giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp. Ở chiều ngược lại, người thân của người sử dụng gậy có thể xác định vị trí của họ, từ đó sẽ dễ dàng tìm kiếm và hỗ trợ họ hơn”.
Với sản phẩm mới này, 2 chàng trai trẻ hy vọng, họ sẽ giúp người khiếm thị đi lại thuận tiện hơn, ít phải phụ thuộc vào người khác hơn.
Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển của công nghệ cảm biến và GPS đã mang đến nhiều giải pháp công nghệ cao cho những người khiếm thị. Vào năm 2017, hãng giày Lechal nổi tiếng của Ấn Độ đã tung ra thị trường loại giày xúc giác mang tên “Đưa tôi đến đó” dành riêng cho người mù. Loại giàu “Đưa tôi đến đó” gồm giày và lớp đế lót polyurethane đặt bên trong. Lechal còn có những cảm biến giúp liên kết với điện thoại thông minh chạy Android, iOS, Windows của người dùng thông qua Bluetooth. Khi mang, nó có thể hướng dẫn người sử dụng từ vị trí hiện tại đến đích họ muốn tới. Đồng thời, Lechal cũng cho người dùng biết mình đang ở đâu, khi nào nên quay lại, rẽ trái, rẽ phải bằng những chế độ rung bên trong giày.
Theo tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 253 triệu người trên thế giới bị khiếm thị, trong đó 36 triệu người bị mù và 217 người bị tổn thương thị lực từ mức độ nhẹ cho tới nghiêm trọng.
Hoài Thanh (Theo Reuters)