Ứng dụng lập trình Scratch vào tiết học và câu lạc bộ nhằm nâng cao tính sáng tạo – năng động tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho học sinh tiểu học
1. Đặt vấn đề
Với sự phát triển rất nhanh của khoa học và công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ lập trình cũng phát triển theo để cung cấp những câu lệnh mới, làm phong phú thêm trải nghiệm của học sinh. Lập trình Scratch 3.0 Online đã trở nên vô cùng tiện dụng với tính năng lập trình trực tuyến: không cần cài đặt và quan trọng hơn, việc học lập trình có thể dùng cho điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Lập trình Scratch là một nền tảng lập trình trực quan với phần lớn các thao tác “kéo thả”. học sinh có thể xây dựng các chương trình bằng việc kết hợp các dòng code sẵn có, nhận lại, kiểm chứng ngay kết quả của việc lập trình. Do đó, học sinh được tiếp cận và xây dựng tư duy lập trình một cách dễ dàng và tự nhiên nhất.
Chính vì những lý do trên Trường Tiểu học Phong Phú 2 huyện Bình Chánh đã thực hiện giải pháp “Ứng dụng lập trình Scratch vào tiết học và câu lạc bộ nhằm nâng cao tính sáng tạo – năng động tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho học sinh tiểu học”.
2. Giải quyết vấn đề
Giúp học sinh phát triển tư duy và khả năng giải quyết vấn đề; biết chọn dữ liệu và thông tin phù hợp, hữu ích; biết chia một vấn đề lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn; bước đầu có tư duy mô hình hoá một bài toán qua việc hiểu và sử dụng khái niệm thuật toán và lập trình trực quan; biết sử dụng mẫu trong quá trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm số; biết đánh giá kết quả sản phẩm số cũng như biết điều chỉnh, sửa lỗi các sản phẩm đó.
Dạy và học về ngôn ngữ lập trình Scratch chính là bước đầu xây dựng tư duy lập trình một cách trực quan cho học sinh. Ngôn ngữ này được thiết kế đơn giản, phù hợp với đối tượng học sinh. Qua việc giải quyết các bài tập lập trình sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng lập trình, hình thành tư duy lập trình nhạy bén, sáng tạo, tổng thể. Đồng thời dạng bài lập trình Scratch là dạng bài tập lập trình cơ bản, thường thấy trong các đề thi học sinh giỏi, thông qua việc nâng cao kiến thức ở phần này có thể tìm ra cũng như rèn luyện đội tuyển mũi nhọn của trường, lớp.
3. Nội dung thực hiện
3.1. Tạo các trò chơi đơn giản ngay trong tiết học
Có thể giao học sinh tạo sản phẩm trò chơi có áp dụng kiến thức đơn giản liên quan tới nội dung tiết học ngày hôm đó.
* Một số lưu ý khi giao HS tạo trò chơi ngay trong tiết học:
- Các bài tập này yêu cầu phải sắp xếp thời gian hợp lý, tránh việc chiếm nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác của tiết học.
- Trong điều kiện cơ sở vật chất của trường với một giờ thực hành, việc quan trọng đầu tiên là chia nhóm thực hành. Với việc cho học sinh thực hành theo nhóm, học sinh có thể trao đổi hỗ trợ lẫn nhau - bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không chỉ là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên. Qua đó hứng thú của học sinh cũng tăng lên.
- Tuy nhiên để việc thực hành theo nhóm có hiệu quả đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn nội dung đưa vào thực hành phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Cách chia nhóm: Chia nhóm 2-3 học sinh/máy (nhóm ngẫu nhiên với nhiều đối tượng học sinh để hỗ trợ cho đối tượng học sinh yếu trong quá trình thực hành). Các nhóm có thể tự cử nhóm trưởng của nhóm mình.
3.2. Giao nhiệm vụ về nhà
Sau khi kết thúc tiết học có thể giao bài tập cho học sinh. Các trò chơi này có thể có nội dung phức tạp hơn, cần vận dụng kiến thức của những tiết học trước. Tuy nhiên nên ưu tiên giao các trò chơi bắt buộc học sinh phải áp dụng nhiều kiến thức của tiết học đó. GV phải đảm bảo bố trí được thời gian để học sinh có thể trình bày sản phẩm ở tiết học sau.
3.3. Thực hiện các dự án trò chơi
Việc thực hiện một dự án trò chơi luôn tốn nhiều thời gian, do đó cần bố trí thời gian hợp lý để thực hiện. Có thể sử dụng phương pháp dạy học Dự án, trải nghiệm sáng tạo hay tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo thanh thiếu niên, …
Tham gia dự án trò chơi sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sự cố khi học lập trình cũng được cải thiện và nâng cao dần. Sự sáng tạo và hoàn thiện nhiều kỹ năng khác như thuyết trình, phản biện,… Biết chọn lọc và thử nghiệm những ý tưởng mới.
Yêu cầu của một dự án trò chơi phải đảm bảo tính hấp dẫn, có độ khó nhất định, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức khác nhau. Do đó các đề tài trò chơi này thường chỉ nên thực hiện khi học sinh có kiến thức tương đối đầy đủ về lập trìnhScratch.
3.4. Tham khảo các trò chơi trên Internet:
Việc chia sẻ các trò chơi, bài toán bằng Scratch trên Internet rất đa dạng, giáo viên có thể tận dụng nguồn kiến thức này để giảng dạy. Có nhiều cách để sử dụng các trò chơi sẵn có trên Internet, như yêu cầu học sinh tham khảo, tải về chỉnh sửa, hoàn thiện một trò chơi nào đó. Tuy nhiên việc chọn trò chơi nào phải có sự định hướng của giáo viên, tránh cho học sinh bị cuốn theo các trò chơi “hấp dẫn nhưng khó làm”, các mã nguồn trò chơi quá sức với kiến thức của học sinh,…Một số trang Web có thể kể đến như: https://scratch.mit.edu/, https://emyeutinhoc.com/,...
4. Hiệu quả
Học sinh vô cùng thích thú với phần mềm, em nào cũng có thể thao tác chọn được nhân vât, chọn phong cảnh (phông nền) và dùng các lệnh để điều khiển nhân vật mình di chuyển, nói chuyện. Các em có tư duy cao hơn thì thiết kế được các game mini vui nhộn, giải bài toán khó, vẽ hình, thiết kế hướng dẫn đọc các từ Tiếng Anh. Bản thân tôi là giáo viên trực tiếp dạy các em cảm thấy phấn khởi và hài lòng với phần mềm Scratch, tạo ra một sân chơi trí tuệ, bổ ích cho các em.
Thông qua các cuộc thi “Tin học trẻ” từ kiến thức lập trình Scratch các em đã được tìm hiểu và làm ra nhiều sản phẩm. Khơi nguồn cho các em về niềm đam mê cũng từ đó Câu lạc bộ lập trình Scratch của trường ngày càng thu hút đông dảo học sinh tham gia.
Câu lạc bộ ngày càng phát triển hơn về số lượng và quy mô. Từ việc học về lập trình, câu lạc bộ còn tham gia Hội tin học trẻ và đạt được nhiều thành tích cao:
Có 2 học sinh đạt giải Khuyến khích Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 30 - năm 2021.
Có 1 học sinh Đạt giải Nhất trong Hội thi Tin học trẻ huyện Bình Chánh năm 2021.
Có 1 học sinh Đạt giải Ba trong Hội thi Tin học trẻ huyện Bình Chánh năm 2021.
Có 3 học sinh vòng Chung kết Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 31 - năm 2022.
Có 1 học sinh Đạt giải Ba trong Hội thi Tin học trẻ huyện Bình Chánh năm 2022.
Có 2 học sinh TOP 50 thí sinh có kết quả cao nhất Vòng bán kết trực tuyến Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 31 - năm 2022.
Có 2 Đạt Top 3 thí sinh có số điềm cao nhất trong vòng sơ loại trực tuyến Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 31 – năm 2022.
Có 11 học sinh được vào Vòng bán kết Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 31 - năm 2022.
Có 03 học sinh được vào Vòng bán kết Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 32 - năm 2023.
Có 11 học sinh được vào Chung kết Hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 32 - năm 2023.
Có 01 học sinh Đạt giải Nhất trong Hội thi Tin học trẻ huyện Bình Chánh năm 2023.
Có 01 học sinh Đạt giải Nhất trong Hội thi Tài năng Tin học huyện Bình Chánh năm 2023.