Sáng kiến cộng đồng

View Original

Giải thưởng Sáng kiến cộng đồng vinh danh thầy giáo sáng tạo

See this content in the original post

GD&TĐ - Giải nhất của cuộc thi năm nay được trao cho thầy giáo Lê Thiên Phúc, trường THPT Phú Nhuận(TPHCM), vì đã có những phương pháp dạy học sáng tạo, biến những giờ học khô khan trở nên thú vị.

Ông Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư kí Hội Sáng chế Việt Nam, trao giải Nhì cho các tác giả.

Ngày 26/12, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018, nhằm tôn vinh tác giả của những sản phẩm, mô hình, giải pháp, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại cộng đồng.

Cuộc thi được Sở KH&CN TP.HCM khởi xướng từ năm 2016 và giao Tạp chí Khám Phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Cơ sở (thuộc Sở KH&CN TPHCM) tổ chức thường niên.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, từ nhiều năm nay, TP.HCM đã có nhiều giải thưởng về KH&CN, đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện sự quan tâm của thành phố với hoạt động đổi mới sáng tạo, coi đó là động lực phát triển.

Tuy nhiên, những giải thưởng này hầu hết dành cho những đối tượng đặc thù như các nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp...

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trao giải Nhất cho thầy Lê Thiên Phúc, trường THPT Phú Nhuận.

"Giải thưởng Sáng kiến Cộng đồng hướng tới những sáng kiến của cộng đồng để giải quyết chính những vấn đề cho cộng đồng, thúc đẩy phong trào sáng chế trong cộng đồng. Quan trọng là những sáng kiến đó không dừng ở mức sáng kiến mà sẽ được lan tỏa rộng rãi để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống", ông Dũng nhấn mạnh.

Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cuộc thi cho thầy Lê Thiên Phúc, giáo viên Sinh học và Công nghệ, trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), với những phương pháp đổi mới sáng tạo giúp những giờ học trở nên hấp dẫn.

Thay vì ngồi học bài với lý thuyết khô khan, kiểm tra, thi xong rồi quên, thầy Phúc đã đưa phương pháp STEM vào giờ học, giúp học sinh tìm hiểu cách phân biệt thực phẩm sạch. Chính các em cũng sẽ trực tiếp chế biến, trình bày những món ăn đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.


Đại diện Ban tổ chức trao giải Ba cho các tác giả.

Toàn bộ quá trình này sẽ được các em ghi lại và dựng thành các clip, đồng thời, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình.

Nhờ đó, ngoài các kiến thức từ bài học, các em còn học được những kỹ năng khác như làm việc nhóm, tìm kiếm thông tin và kỹ năng thuyết trình. Mỗi em cũng phát huy được năng lực bản thân cũng như biết được ưu khuyết điểm bạn bè trong lớp để phối hợp tốt hơn.

 Đại diện Ban tổ chức trao giải Ba cho các tác giả.

3 giải nhì của cuộc thi được Ban tổ chức trao cho các sáng kiến: Biến những số liệu khô khan trong sách giáo khoa Lịch sử thành những hình ảnh trực quan, dễ nhớ của Đoàn Nguyễn Phương Danh, học sinh chuyên Anh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; Máy bóc vỏ trứng tự động, có công suất 3.000 vỏ trứng mỗi giờ của Trương Công Hoàng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp 4 - TPHCM; Áo chống nắng biến hình của nhóm sinh viên chuyên ngành dệt may TP.HCM.

Các sáng kiến máy cho tôm ăn được cài sẵn chế độ qua smartphone của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Xe chữa cháy mini cứu hỏa trong hẻm nhỏ của ông Lý Nhơn Thành; Robot cắt tỉa cây tự động của nhóm sinh viên ĐH Nông Lâm TPHCM được trao giải ba.

Chia sẻ niềm vui sau khi nhận giải, ông Lý Nhơn Thành - tác giả của sáng kiến xe chữa cháy mini cứu hỏa trong hẻm nhỏ, cho biết: “Bản thân tôi sáng chế không phải vì mong chờ giải thưởng nhưng sự ghi nhận từ cuộc thi sẽ là sự thúc đẩy, phát huy tiềm lực, tiềm năng sáng tạo trong cộng đồng.”

Năm nay, Ban tổ chức trao 14 giải thưởng, gồm 1 giải nhất (trị giá 5 triệu đồng), 3 giải nhì (mỗi giải trị giá 3 triệu đồng), 3 giải ba (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng) và 7 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng).

Tiến Vượng (Giáo dục và Thời đại)

See this content in the original post