Len “kỳ diệu” giúp hút dầu tràn

Dầu có đặc điểm không tan trong nước mà nổi trên mặt nước, bởi thế, chỉ cần một vài vết dầu loang rò rỉ từ những thùng chứa hay lẫn trong các đường ống thải cũng đủ để làm ô nhiễm cả một vùng đất rộng lớn hoặc khiến cả một vùng nước nhiễm bẩn. Công ty Deurex của Đức có trụ sở ở Elsteraue, miền Đông nước Đức đã tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề này.

1 “ăn” 7

Trong thí nghiệm của công ty Deurex , ông Steffen Remdt, Giám đốc sản xuất của công ty Deurex lấy ra một nhúm len sợi sáp hay còn gọi là len bông sáp (wax cotton wool) đặc biệt, rồi thả vào một chiếc bể trước đó đã được thêm dầu diesel vào.

Chỉ trong vài giây, nhúm len đã hút sạch chỗ dầu nổi trên mặt nước. Đáng chú ý nhất, ngay cả khi nhúm len này “no nước và dầu”, nó không hề bị chìm xuống đáy bể mà vẫn tiếp tục nổi trên mặt nước. Nhân viên của công ty chỉ cần làm một động tác đơn giản là nhấc nhúm len ra. Thứ họ thu được chỉ là một chút rác thải rất nhỏ.

Len sợi sáp có thể hút khối lượng dầu gần gấp 7 lần khối lượng của nó.

Ông Steffen Remdt cho biết: “Chỗ nước này vẫn có thể lọc lại để sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp mà không hề hấn gì”.

Những miếng len “kỳ diệu” hút dầu tràn này thực chất là một loại sáp ong nhân tạo do nhà hóa học Günter Hufschmid, 58 tuổi của công ty Deurex , phát minh ra.  Nó được đặt tên là Pure. Pure có thể hút 1 khối lượng dầu hoặc lượng hóa chất khác nặng gấp gần 7 lần khối lượng của nó. Đáng quan tâm, loại len sợi sáp kỳ diệu Pure vẫn có thể tái sử dụng cho những lần xử lý sự cố tràn dầu sau.

Nhà hóa học Günter Hufschmid chia sẻ, hình ảnh những thùng dầu trôi nổi trên biển sau các vụ va chạm hay những dàn khoan dầu bị sập rồi  bốc cháy ngùn ngụt ngoài khơi đã thôi thúc ông tìm ra giải pháp xử lý sự cố gây ô nhiễm và lãng phí này.

Công trình nghiên cứu này của  Günter Hufschmid  và các cộng sự đã được  Văn phòng sáng chế châu Âu EPO trao giải thưởng Nhà Phát minh ở hạng mục Công ty vừa và nhỏ, 1 trong 5 hạng mục trao giải được EPO trao hàng năm ở thành phố Vience của Ý.


Nhà hóa học Hufschmid đang thử nghiệm loại sợi len bông sáp của mình.

“Phát minh của Günter Hufschmid có thể làm thay đổi cách thu hồi dầu và các loại hóa chất bị tràn ra ngoài”, Chủ tịch của EPO, ông Benoît Battistelli cho biết. “Thu dọn các chất gây ô nhiễm có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường của chúng và giảm bớt những nguy cơ đe dọa tới sức khỏe của con người”. Ông cho biết thêm: “Câu chuyện của Günter Hufschmid  đồng thời cho thấy sức mạnh của sự sáng tạo có thể đem đến những giải pháp công nghệ cho một trong những thách thức lớn nhất mà con người đối mặt trong thời đại ngày nay”.

Sau 2 năm thử nghiệm sản phẩm và nhận bằng sáng chế từ EPO, Hufschmid và các cộng sự của mình nhận thấy họ cần đầu tư hẳn một cơ sở sản xuất mới và bắt đầu thương lượng với các công ty dầu mỏ để giúp họ có vị trí vững chắc trong thị trường thu hồi dầu mỏ.

Ý tưởng đến một cách tình cờ

Nhà hóa học Hufschmid tìm ra giải pháp này một cách tình cờ. Vào năm 2010, một công nhân ở công ty sản xuất đồ nhựa, sơn và bông vải sáp Deurex của ông đã quên không tắt một chiếc máy. Chiếc máy đã chạy suốt đêm với tình trạng cài đặt sai cách. 

Đến sáng hôm sau, toàn bộ sàn nhà máy ngập ngụa trong những vật chất giống như hạt cotton màu trắng. Là một nhà hóa học có kinh nghiệm, Hufschmid ngay lập tức tìm ra một giải pháp khả thi là sử dụng các vật liệu có sợi còn lại của công ty.

Trên thực tế, giải pháp xuất hiện trong đầu Hufschmid chỉ vài tuần sau sự cố tràn dầu tại dàn khoan nước sâu, khiến hàng triệu thùng dầu đổ xuống vịnh Mexico vào ngày 20/04/2010.

Trong "vụ tràn dầu thế kỷ" Deepwater Horizon, giàn khoan dầu sâu nhất thế giới của hãng BP (Anh) đã phát nổ ngày 20/4/2010, khiến 11 công nhân thiệt mạng và khoảng 750.000 lít dầu thô loang rộng ra 9.000km2 trên biển, gây ô nhiễm biển nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân ven biển.

“Cả thế giới đang nói về cách thu hồi chỗ dầu loang trên biển và cố tìm ra giải pháp bảo vệ đại dương”, nhà hóa học Hufschmid nhớ lại. Ông đã quyết định thử kiểm nghiệm xem loại len sợi  của mình có thể dùng để thu dọn chỗ hóa chất tràn trên mặt sàn nhà máy hay không.

Thật kỳ diệu, loại len sợi sáp này lại hút dầu hiệu quả lạ thường. Lúc đó, cứ 1kg vật chất này hút khoảng 6,5 lít dầu. Đặc biệt, khác với các sản phẩm khác, loại len này có thể tái sử dụng giống như việc người ta vắt nước từ một miếng bọt biển rồi sử dụng lại được ngay.

Loại len sợi sáp nhân tạo của Hufschmid tới nay đã được chứng minh có hiệu quả ở cả phạm vi lớn và nhỏ. Năm 2013, công ty của Hufschmid đã tặng len sợi sáp Pure cho các lính cứu hỏa ở miền Nam nước Đức để hút dầu rò rỉ chảy vào tầng hầm dưới nền nhà của các nạn nhân lũ lụt. Deurex cũng đã hợp tác với một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ dọn dẹp tình trạng ô nhiễm dầu ở vùng châu thổ Niger của Nigeria.

Nhưng thành tựu của Deurex không dừng lại ở đó. Len sợi sáp của công ty đã và đang được dùng để hút mỡ bôi trơn cho các tua-bin gió ở Đức. Và Deurex tin rằng, len sợi sáp kỳ diệu của họ chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong tương lai khi nó giúp bảo vệ môi trường khỏi các sự cố tràn dầu và tràn hóa chất.


Hoài Thanh (Theo DW)