Tủ lạnh năng lượng mặt trời: Giải pháp hữu hiệu cho nông dân tại Châu Phi

Thiết bị bảo quản thực phẩm di động vận hành bằng năng lượng tái tạo giúp các hộ nông dân giảm tổn thất do không có phương tiện bảo vệ nông sản hậu thu hoạch.

Sự không ổn định của nguồn cung cấp điện và chi phí đắt đỏ của tủ lạnh truyền thống cùng với việc thiếu các chuyên gia lắp đặt và bảo dưỡng các thiết bị này đã thôi thúc Startups Solar Freeze, một startups của Kenya tìm ra một giải pháp thay thế giống như hệ thống làm lạnh bằng tháp bay hơi.

Tủ lạnh vận hành bằng năng lượng mặt trời giải quyết nỗi lo mất điện, không có điện và giúp người dùng tiết kiệm một khoản chi phí tiền điện không nhỏ mỗi tháng.


Và SolarFreeze đã quyết định lựa chọn năng lượng mặt trời cho tủ lạnh của mình dể giải quyết tất cả các vấn đề trên, đặc biệt là trong bối cảnh tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra ở Châu Phi.

“Khoảng 600 triệu người dân ở Châu Phi sống trong cảnh thiếu điện. Giải quyết các vấn đề năng lượng thông qua công nghệ theo đó là một chương trình nghị sự sống còn” anh Dysmus Kisilu, đồng sáng lập start-up SolarFreeze cho biết.

Đúng như tên gọi của mình, mỗi chiếc tủ lạnh SolarFreeze được trang bị 12 bảng pin năng lượng mặt trời ở 2 bên. Những bảng pin này có thể nâng lên hoặc hạ xuống để giảm bớt sự cồng kềnh khi di chuyển cũng như hứng được nhiều ánh nắng mặt trời hơn tùy theo hướng đi của “quả cầu lửa”.

Nhờ vào năng lượng mặt trời, những chiếc tủ lạnh này vận hành trơn tru bất chấp tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra ở Kenya nói riêng và châu Phi nói chung. Đó là còn chưa kể đến khoản tiền điện mà người dùng tiết kiệm được mỗi tháng. Cùng lúc, tính năng di động của nó còn giúp nông dân bảo quản nông sản tốt hơn ngay cả khi vận chuyển.

Anh Dysmus Kisilu (thứ 3 từ trái sang), chủ nhân của ý tưởng tủ lạnh vận hành bằng năng lượng mặt trời.

Anh Dysmus Kisilu cho biết: “Thông qua những chiếc tủ lạnh SolarFreeze, chúng tôi cung cấp một giải pháp toàn diện cho các hộ nông dân từ khâu bảo quản cho tới vận chuyển rồi đem tới tận tay người tiêu dùng.Vì không phụ thuộc vào nguồn điện cố định, nên họ có thể đặt chúng lên xe rồi vận chuyển đi khắp nơi. Và nhờ đó nông sản, khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn tươi nguyên”.

“Những chiếc tủ lạnh năng lượng mặt trời không chỉ thích hợp đối với người nông dân mà còn có thể ứng dụng rộng rãi trong các khách sạn, nhà nghỉ, khi đi cắm trại, trong bệnh viện, trường học, các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh không được tiếp cận với điện lưới quốc gia. Nó cũng có thể được sử dụng trong các ngành công nghiệp như đánh cá, sản xuất sữa hay các dây chuyền sản xuất nông sản”, anh Dysmus Kisilu bổ sung.

Lượng nông sản bị hư hỏng Lượng tại các quốc gia đang phát triển ước tính lên tới tới 310 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thống kê của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc FAO và Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, hơn 47% trong tổng số 940 tỷ USD - khoản tiền cần để xóa đói ở Vùng cận Sahara của châu Phi từ nay cho tới năm 2050 sẽ được sử dụng để đầu tư cho hệ thống hậu thu hoạch. Thực phẩm hư hỏng và lãng phí thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc lãng phí các nguồn tài nguyên trong đó có nước, đất, năng lượng, sức lao động và vốn trong khi lại sản sinh ra lượng khí phát thải nhà kính không cần thiết gây ra tình trạng trái đất ấm dần lên và biến đối khí hậu.


Không chỉ bảo quản nông sản, tủ lạnh SolarFreeze có thể được sử dụng trong các ngành công nghiệp như đánh cá, sản xuất sữa…

Tại các quốc gia đang phát triển, tình trạng lãng phí thực phẩm và thực phẩm bị hư hỏng chủ yếu xuất hiện ở khâu sau thu hoạch do kỹ thuật thu hoạch chưa đúng cách cũng như thiếu các thiết bị làm lạnh hoặc bảo quản. Trong khi đó, chỉ cần ¼ lượng thực phẩm bị lãng phí hoặc bị hư hỏng kia đủ để nuôi sống 870 triệu người thiếu đói trên toàn thế giới.

Hoài Thanh (Theo Afrik 21, climatecolab.org)