7 cách kiếm tiền từ “bồ chữ” của bản thân

Kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm không chỉ giúp chúng ta đạt được cũng như duy trì công việc chính, mà còn có thể hữu ích cho chúng ta có thêm một (hoặc vài) nguồn thu nhập ngoài giờ làm việc cho mục đích cá nhân hoặc khi cần thiết. Hãy cùng tìm hiểu chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lí kiêm tác giả Amy Morin để biết cách “có tiền ngay cả khi đang ngủ” nhé.

Với vai trò là một nhà trị liệu tâm lí, tôi gặp bệnh nhân tại văn phòng 5 ngày mỗi tuần. Dù công việc ổn định và thu nhập tốt, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự đơn điệu hơi chút bất lợi của nó - tôi chỉ có thể kiếm tiền trong giờ làm việc.

May thay, cách đây chừng 6 năm, tôi nhận ra tôi có thể tăng thu nhập của bản thân bằng việc chia sẻ kiến thức của mình theo những cách khác, để rồi tôi thực hiện theo đó - chia sẻ những lời khuyên về tâm lí trị liệu của mình trên những kênh khác nhau do tôi tạo ra. Kể từ đó, ngay cả khi ngủ tôi cũng kiếm được tiền.

Các bạn cũng có thể làm tương tự, bất kể bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào: thợ sửa ống nước, kế toán, doanh nhân,...

Mỗi ngành nghề đều có những kiến thức chuyên biệt, và chắc chắn sẽ có người cần đến kiến thức chuyên biệt đó, miễn là bạn cung cấp cho họ. Bạn có thể bắt đầu với một công việc “tay trái” để kiếm thêm; biết đâu sau một thời gian, bạn sẽ thấy rằng nghề tay trái mang lại cho bạn nhiều tiền hơn công việc chính của mình (tôi là một ví dụ).

Sau đây là 7 chiêu “tăng gia sản xuất” bằng “bồ chữ” của bản thân nhé:

1. Tư vấn

Một ghi chú về cách này là bạn không nhất thiết phải tư vấn về… chuyên môn của mình. Nếu bạn là một tác giả chuyên viết sách về hạnh phúc, bạn không cần phải tư vấn người ta cách để hạnh phúc; thay vào đó, bạn có thể hướng dẫn cách viết, quảng bá và bán sách.

Hãy nghĩ về những thắc mắc mọi người có thể đưa ra, bạn sẽ biết được họ cần những thông tin gì và bắt đầu mang lại cho họ dịch vụ tư vấn chính xác và tận tâm nhất.

2. Viết blog

Blog là một công cụ hữu ích để chuyển sự chú ý của “khách hàng” của bạn đến những “sản phẩm” bạn muốn quảng bá, nhưng nhiều khả năng là bạn sẽ không có được một nhà tài trợ dồi dào hoặc nguồn doanh thu từ quảng cáo hậu hĩnh. Thực tế là thu nhập từ viết bài của hầu hết các blogger là không đáng kể.

Tuy nhiên, bạn có thể kiếm nhuận bút bằng cách cộng tác với các tạp chí và các trang mạng hàng đầu - thu nhập có thể đồng đều hoặc tính theo lượt xem.

3. Tạo khóa học

Một nguồn thu nhập dồi dào. Bạn có thể tạo khóa học và đăng tải trên trang mạng cá nhân, hoặc gửi nó lên một nền tảng học tập trực tuyến (như Udemy,...).

Nếu nội dung khóa học của bạn phù hợp với nhu cầu của các tổ chức và công ty tư nhân, bạn có thể nhận được những hợp đồng lớn.

Lẽ tất nhiên là bạn cần bỏ nhiều công sức và thời gian để tạo một khóa học hiệu quả; nhưng nếu nó thực sự hiệu quả, bạn sẽ kiếm tiền trong giấc ngủ trong nhiều năm liền.

4. Diễn thuyết

Dù là một hội thảo kéo dài cả ngày hay là một bài nói chuyện trong 1 giờ, những diễn giả chuyên nghiệp đều được trả công vì đã hướng dẫn và truyền cảm hứng cho rất nhiều khán thính giả.

Việc đứng nói trước một đám đông lạ lẫm có thể khó khăn bước đầu, nhưng một khi bạn thực hiện thường xuyên - và tốt dần lên theo thời gian - bạn có thể chỉ cần thu nhập từ nghề “nói dạo” được rồi đấy.

5. Viết sách

Đây cũng là một ý tưởng không tồi, dù vẫn còn tranh cãi giữa “tự mình xuất bản” hoặc “nhờ hỗ trợ từ các chuyên gia xuất bản”. Nhìn chung, viết và xuất bản sách như thế nào sẽ phụ thuộc vào chủ đề của cuốn sách:

  • Nếu bạn có một lượng độc giả nhỏ và chuyên biệt, bạn có thể tự ra sách của mình - cuốn sách đó có dạng là một cuốn cẩm nang 50 đôla Mỹ hoặc một cuốn sách điện tử 2 đôla Mỹ sẽ do bạn quyết định

  • Nếu bạn nhắm đến đông đảo độc giả, xuất bản theo kiểu truyền thống (nhờ hỗ trợ từ đội ngũ xuất bản) sẽ giúp cuốn sách đến với độc giả tốt hơn; bạn sẽ nhận được tiền ứng trước và có thể nhận cả tiền tác quyền trong tương lai; nhà xuất bản sẽ lo chi phí biên tập, thiết kế, và in ấn; và bạn có cả một chuyên gia quảng cáo và một đội ngũ bán hàng cùng phối hợp lăng-xê cuốn sách giúp bạn.

6. Tổ chức sự kiện trực tiếp

Bạn có thể là ông chủ của một sự kiện: một buổi nghỉ dưỡng thân mật hay một hội nghị đình đám tại khách sạn. Sự kiện có thể chỉ có bạn hoặc bao gồm các diễn giả khách mời khác.

Một lời nhắc nhở nho nhỏ: đừng thêm thắt hoặc biến sự kiện của bạn trở nên điên rồ - không ai muốn họ đến tham dự một buổi họp trông như lễ hội âm nhạc mất kiểm soát.

7. Lập nhóm trao đổi

Những người làm việc chuyên nghiệp trong một lĩnh vực luôn muốn có một nơi để chia sẻ hiểu biết. Bạn có thể là “chủ xị” nhóm này và đề nghị những người tham gia trả một khoản “vào bàn” nho nhỏ theo tháng hoặc theo năm; bạn cũng có thể thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo trực tuyến và cung cấp nội dung chuyên sâu để các thành viên có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn.

Vậy bắt đầu như thế nào…?

Trước tiên, hãy thử nghiệm với nội dung (chính là ý tưởng của bạn) - công khai chúng với mọi người và xem thử ý tưởng nào sẽ tạo hứng thú. Cách đơn giản nhất để làm điều này là qua mạng xã hội: độc giả sẽ thích, chia sẻ, hoặc bình luận nếu họ quan tâm đến nội dung của bạn.

Bạn cũng có thể dựa vào những kênh khác như blog, vlog (viết tắt của video blog - “nhật kí dạng video”), hoặc chương trình tập tin âm thanh (podcast) để đánh giá mức độ quan tâm của độc giả. Một khi bạn có được một lượng “người hâm mộ” tương đối, đó chính là lúc bạn mang “bồ chữ” của mình để trang trải cuộc sống.

Quốc Huy (Theo Forbes)