Đến thời xe bay
Sự tiến bộ của công nghệ, vật liệu và hệ thống dẫn đường tự động góp phần giúp xe bay dần trở thành hiện thực.
Xe bay đang trên đường bước từ phim khoa học viễn tưởng vào đời thực nhờ nỗ lực của ngày càng nhiều công ty công nghệ.
An toàn và hữu dụng
Sau 15 năm phát triển, Công ty Công nghệ Urban Aeronautics (Israel) hy vọng mẫu xe tự bay Cormorant của mình có thể xuất hiện trên thị trường vào năm 2020.
Với giá bán ước tính lên đến 14 triệu USD, Cormorant có kích thước cỡ chiếc xe hơi gia đình thông thường và có khả năng di chuyển 185 km/giờ ở độ cao đến 5.500 m.
Phương tiện tự bay nhờ được tích hợp radar, bộ cảm biến và thiết bị đo độ cao bằng laser. Nó còn được trang bị tấm chắn bảo vệ phòng trường hợp xe va vào tường hoặc bất kỳ chướng ngại vật nào trên đường đi. Nhóm phát triển đang nghiên cứu loại cảm biến hiện đại giúp xe bay có thể né các vật thể đang hướng về phía mình trong lúc hoạt động.
Các nhà phát minh tin rằng chiếc xe đã trải qua hơn 200 chuyến bay thử nghiệm nói trên có thể giúp sơ tán người dân khỏi khu vực xung đột, đưa đón binh sĩ hoặc viện trợ ở những nơi trực thăng không tiếp cận được. Cormorant đủ sức chở trọng lượng nặng hơn 453 kg trên quãng đường dài 48 km.
“Khi bom bẩn hoặc các chất hóa học xuất hiện trong thành phố, xe bay có thể được điều khiển từ xa để tham gia khử trùng một khu vực nào đó” - ông Rafi Yoeli, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Urban Aeronautics, nói với hãng tin Reuters.
Ông Yoeli đã thành lập công ty ở TP Yavne vào năm 2001 để nuôi ý tưởng chế tạo xe bay tự lái mà ông cho là an toàn hơn trực thăng khi có thể bay giữa các tòa nhà và bên dưới những đường dây điện mà không lo về nguy cơ bị tấn công. Dù vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Cormorant có mặt trên thị trường.
Chẳng hạn như nó chưa đáp ứng được mọi tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Ngoài ra, chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 11-2016 cho thấy có một số vấn đề nhỏ liên quan đến những dữ liệu mâu thuẫn nhau được bộ cảm biến gửi về.
Cuộc đua nóng lên
Cuộc đua phát triển xe bay đang ngày một nóng lên với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nhân và công ty mới lập.
Đáng chú ý, tỉ phú Larry Page, nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Google (Mỹ), đích thân đầu tư 100 triệu USD cho 2 công ty đang tranh đua phát triển công nghệ xe bay ở Thung lũng Silicon - gọi là Zee.Aero và Kitty Hawk.
Một nguyên mẫu xe bay đầu tiên của Zee.Aero được nhìn thấy tại một sân bay hẻo lánh ở bang California - Mỹ gần đây.
Ra đời năm 2010, Zee.Aero đang tập trung phát triển loại máy bay điện nhỏ có thể cất và hạ cánh thẳng đứng - về bản chất không khác gì xe bay. Theo trang Bloomberg, công ty này hồi năm 2011 đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đối với xe bay.
Giờ đây, họ đang hướng đến một mẫu phương tiện có thiết kế đơn giản và kiểu dáng trông bình thường hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chi tiết về thiết kế xe bay của cả Zee.Aero và Kitty Hawk.
Trong 2 chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 9 và 10-2016, mẫu xe của Zee.Aero đã bay cách mặt đất ở độ cao khoảng 7,62 m và hạ cánh nhanh chóng theo hướng thẳng đứng.
Trong số những công ty khác đang theo đuổi dự án xe bay, Terrafugia là một cái tên đáng chú ý. Công ty này đặt mục tiêu tung sản phẩm ra thị trường vào năm 2026. Dù vậy, với sự tiến bộ của công nghệ, vật liệu và hệ thống dẫn đường tự động, những ai đam mê xe bay có lẽ không phải chờ lâu đến thế.
“Trong 5 năm qua, công nghệ xe bay đã có những bước tiến to lớn. Những gì xuất hiện trong vòng 5-10 năm tới sẽ là điều không tưởng” - ông Mark Moore, một kỹ sư hàng không của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, dự báo.