Sáng kiến cộng đồng

View Original

Phương pháp mới giảm giá thành canh tác hoa cúc đồng tiền

Nhóm nghiên cứu Dương Minh Long và Nguyễn Mỹ Hoa, khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu đặc tính một số nguyên liệu sử dụng làm giá thể trồng hoa và ảnh hưởng của biện pháp xử lý mụn dừa trên sinh trưởng hoa cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii).

Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ giữ vị trí rất quan trọng, nằm cạnh trung tâm của thành phố Cần Thơ nên có tiềm năng và lợi thế để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, do làng nghề được người dân phát triển tự phát nên chỉ áp dụng phương pháp sản xuất và canh tác truyền thống, trong đó các khó khăn trong sử dụng giá thể là chưa đa dạng hóa nguồn nguyên liệu có giá thành hạ.

Ngoài ra do phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ các nơi khác, không ổn định, nên giá cả tăng cao vào các cao điểm mùa trồng, gây khó khăn cho sản xuất và làm tăng giá thành sản xuất.

Cúc đồng tiền là loại cây tương đối khó trồng cần có giá thể và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vì vậy, năm 2015 tại quận Bình Thủy chỉ có 1 hộ trồng Cúc đồng tiền thành công.

Cúc đồng tiền là cây trồng rất mẫn cảm với độ pH, dễ thiếu vi lượng ở pH cao. Giá thể cần có độ acid chua nhẹ, EC phù hợp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Do đó việc xử lý giá thể có độ pH và độ dẫn điện EC phù hợp là rất cần thiết.

Dựa trên tình hình nghiên cứu ngoài nước, các vật liệu có thể sử dụng để làm giá thể trồng hoa kiểng là đất mặt, cát, thịt, than bùn, hạt đá trân châu (pertile), rơm đã qua chất nấm, mụn dừa ủ compost, bã bùn mía, vỏ đậu phộng.

Các nguyên liệu như bùn mía, bã đã qua chất nấm bào ngư, phân bò là nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giá thành rẻ nhưng chưa được nghiên cứu để sử dụng.

dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ, có đặc tính lý hóa học, dinh dưỡng phù hợp và chất trích mụn dừa có tính chất chống chịu các nguồn vi sinh vật gây bệnh từ đất tốt cần được nghiên cứu để sử dụng.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến và cách xử lý mụn dừa khác nhau khi sử dụng làm giá thể như không xử lý, xả nước, xử lý bằng thuốc trừ bệnh gốc đồng, ủ mụn dừa.

Trong thành phần của mụn dừa có 26 - 38% các hợp chất hữu cơ tan trong nước, trong đó có tanin, khoảng 15% các hợp chất tan trong nước nóng và 40 - 45% các hợp chất celluloze, hemicelluloze, lignin tùy theo mụn dừa được lấy từ trái dừa non hay già.

Các hợp chất hữu cơ tan trong nước, chất tanin có thể gây ngộ độc hữu cơ cho cây trồng làm rễ phát triển kém, lá bị vàng nếu không được xử lý trước khi sử dụng làm giá thể cho cây trồng.

Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định một số đặc tính lý hóa học, dinh dưỡng của các nguyên liệu như phân bò, rơm đã trồng nấm, mụn dừa, bã bùn mía, bã trồng nấm bào ngư và xác định hiệu quả của các biện pháp xử lý nguyên liệu chủ yếu là xử lý mụn dừa trên sinh trưởng cúc Đồng tiền, để nông dân có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu có giá thành thấp, nhằm mang lại thu nhập cao cho các hộ dân trồng hoa kiểng ở quận Bình Thủy nói riêng và ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Giá thể sử dụng trong nghiên cứu gồm: mụn dừa, rơm đã chất nấm, bã đã chất nấm bào ngư, bùn mía, phân bò, trấu. Mụn dừa được lấy mẫu từ mụn dừa do nông dân vận chuyển từ Bến Tre để bán lại tại Cần Thơ. Rơm chất nấm lấy mẫu từ rơm đã qua chất nấm của nông dân.

Bã đã chất nấm bào ngư được lấy mẫu ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất nấm bào ngư. Phân bò được lấy là mẫu phân bò đã phơi khô từ các hộ nông dân nuôi bò sữa ở Cần Thơ.

Mẫu sau khi lấy được phơi khô không khí và nghiền qua rây 0,5 mm để phân tích thành phần dinh dưỡng và vật liệu được để nguyên, không nghiền qua rây để phân tích khả năng giữ nước, pH, EC.

Giống cúc đồng tiền trồng trong thí nghiệm là giống được đặt tên theo màu hoa, giống hoa màu vàng tâm, nhụy đen, tên khoa học là Gerbera jamesonii, là cây cấy mô được sản xuất ở Viện Cây ăn quả Miền Nam, có thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng.

Thí nghiệm được bố trí trong nhà lưới trên giá thể mụn dừa với 6 biện pháp xử lý theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 6 nghiệm thức, 4 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 2 chậu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bùn mía là nguyên liệu có pH phù hợp, hàm lượng đạm, lân và Ca cao, khả năng giữ nước thấp là nguyên liệu tốt để làm giá thể trồng hoa nhưng cần ủ hoai.

Các nguồn nguyên liệu khác có những ưu và nhược điểm riêng về các đặc tính lý hóa học và dinh dưỡng, do đó cần khắc phục các nhược điểm của các nguyên liệu khi sử dụng để làm giá thể trồng hoa.

Việc xử lý mụn dừa trước khi trồng bằng chế phẩm Trichoderma, mụn dừa xử lý bằng thuốc gốc đồng và mụn dừa ủ hoai cho kết quả tốt nhất.

Biện pháp xử lý mụn dừa bằng vôi mặc dù hạn chế mầm bệnh Fursarium, nhưng pH tăng cao có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng cúc đồng tiền.

Theo N.Hoa - Khoahocphothong