Sáng kiến cộng đồng

View Original

“Bác sĩ tôm” của miền sông nước

Thủa hàn vi, kỹ sư Lê Anh Xuân liều mạng đặt cược tất cả những gì mình có vào con tôm và ông đã tạo dựng được sự nghiệp vững chắc nhờ không ngừng đổi mới công nghệ nuôi tôm sạch bằng chế phẩm sinh học. Thành công này được lan tỏa vì tâm huyết của ông chia sẻ bí quyết và chỉ cách chữa bệnh cho con tôm với bà con các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

THÀNH CÔNG VÌ QUY TRÌNH SẠCH

Gặp anh Lê Anh Xuân vào một buổi sáng mùa đông Hà Nội và cái lạnh dường như không thể làm “nguội bớt” sự hào hứng về con tôm trong câu chuyện của ông.

“Tôi vừa có chuyến công tác Nhật Bản để giới thiệu về quy trình nuôi tôm sạch. Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với một số nhà khoa học bên đó để triển khai hướng nghiên cứu mới” – kỹ sư được mệnh danh là “bác sĩ tôm” hồ hởi chia sẻ ngay khi mở đầu câu chuyện.

Nghiệp nuôi tôm đến với ông từ hơn 10 năm trước, khi ông lập công ty nuôi tôm giữa muôn trùng khó khăn vào năm 2004. Thời điểm đó, tất cả không gian làm việc của công ty chỉ gói gọn trong một căn phòng trọ chật hẹp và ông phải tự mình cáng đáng mọi việc.

“Mọi người bảo tôi khùng vì đặt cược vào con tôm, trong khi nhiều người nuôi tôm ở Bạc Liêu đang lâm vào cảnh thua lỗ triền miên” – ông Xuân nhớ lại.

Nhưng ông đã không mất quá nhiều thời gian để chứng minh cho sự lựa chọn nghề của mình là đúng.

Với 4 ao có tổng diện tích 7.600m2, nuôi 180.000 con tôm sú giống, ngay trong vụ đầu tiên ông đã thắng lớn khi thu 4,6 tấn tôm thành phẩm và lãi ròng 900 triệu đồng. Bước vào vụ thứ hai, ông thả tăng thêm 20.000 con tôm giống và lại tiếp tục trúng đậm.

Quy mô chăn nuôi của ông không ngừng mở rộng và hình thành quy trình nuôi tôm sạch hoàn chỉnh bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học do chính doanh nghiệp sản xuất.

Nhiều bà con nghe tiếng tìm đến doanh nghiệp của kỹ sư Lê Anh Xuân và được ông chia sẻ kinh nghiệm cũng như chỉ cách nhận diện bệnh cho các ao nuôi như một “bác sĩ tôm” chính hiệu.

Để gặt hái được những thành công này, ngay từ những ngày đầu, kỹ sư Lê Anh Xuân đã coi khoa học công nghệ như kim chỉ nam trong mô hình kinh doanh của mình.

“Dư được đồng nào là tôi lại đầu tư cho khoa học đến đó. Tôi sẵn sàng đầu tư trang thiết bị, máy móc để những nghiên cứu không chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm mà có thể tạo ra sản phẩm phục vụ cuộc sống” – ông chia sẻ.

CHỦ ĐỘNG CÔNG NGHỆ

Ông Xuân cũng tự mày mò nghiên cứu hoặc nhập công nghệ của nước ngoài về để sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ quy trình nuôi tôm sạch của mình.

Công ty Trúc Anh của ông trở thành đơn vị tiên phong trong việc áp dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và liên tục gặt hái thành công.

Tuy nhiên, việc duy trì các đầm tôm không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sau vài năm gặp thuận lợi, dịch bệnh bắt đầu phát triển mạnh, cộng với sự biến đổi không ngừng của thời tiết đã đặt sự nghiệp nuôi thả tôm của ông trước thách thức sống còn và vượt quá khả năng của những nghiên cứu nội bộ.

“Nếu không chủ động được công nghệ thì chúng tôi sẽ không thể ứng phó với sự biến đổi liên tục của thời tiết, dịch bệnh” – ông Xuân nhắc lại thời điểm khó khăn của năm 2010.

Ngay năm này, ông quyết định cử 3 nhân viên của công ty ra Hà Nội theo học tại Viện Công nghệ sinh học – Đại học Bách khoa để tiếp thu công nghệ mới.

Nhưng cả 3 nhân viên của ông đều phải trở về vì không thể theo được chương trình đào tạo. Không đành lòng nhìn các ao tôm bị đe dọa, ông Lê Anh Xuân tự mình ra Hà Nội “thế chân” và đây chính là bước ngoặt đối với sự phát triển của công ty.

“Hơn nửa năm trời tôi làm việc liên tục trong phòng thí nghiệm để cấy, phân lập và tuyển chọn những chủng vi khuẩn có lợi và dùng nó trở thành chế phẩm sinh học cho mình” – ông Xuân kể về quãng thời gian rời công việc để đi học.

Chuyến đi học cũng mở ra cơ hội cho ông được hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành về công nghệ sinh học để có thể cùng nghiên cứu, sản xuất ra các chế phẩm có hoạt độ enzyme cao ngang bằng nhập ngoại để phục vụ chăn nuôi tôm.

“Đó là điều rất hạnh phúc và là bước ngoặt quan trọng khi tôi có thể làm chủ được công nghệ và không còn phụ thuộc vào nguồn từ nước ngoài” – ông Xuân nhấn mạnh. Trở về Bạc Liêu sau chuyến “tầm sư học đạo”, ông tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Hiện Công ty Trúc Anh của ông đang sở hữu một phòng thí nghiệm có diện tích 300m2, hệ thống nhà máy sản xuất vi sinh đạt chuẩn quốc tế và hơn 20ha ao nuôi để thử nghiệm các chế phẩm mới trước khi đưa đến người tiêu dùng.

Các chế phẩm sinh học được nghiên cứu phù hợp với các điều kiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do công ty sản xuất đã chứng minh hiệu quả trên các đầm tôm có năng suất cao và sức đề kháng tốt.

Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Xuân còn đang cho triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng công nghệ Biofloc – nuôi tôm trong nhà màng kết hợp sử dụng thiết bị của Mỹ...

Chia sẻ thành công với những bà con nông dân trong khu vực, công ty của ông Xuân còn cử kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp vi sinh miễn phí để triển khai thành công mô hình nuôi tôm kết hợp trên ruộng lúa ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao do đầu tư thấp, ít dịch bệnh và ít dùng thuốc kháng sinh.

Đến nay, nhiều hộ dân tại đây đã đạt được năng suất từ 500 đến 700kg tôm/ha/năm nhờ mô hình luân canh tôm – lúa do Công ty Trúc Anh hướng dẫn, tăng cao so với năng suất 100kg/ha/ những năm trước đây.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, coi đây như “chiếc gậy chống lưng” là chiến lược sống còn mà kỹ sư Lê Anh Xuân luôn tâm niệm để phát triển công ty.

Với ông chủ của doanh nghiệp khoa học công nghệ tiên phong ở tỉnh Bạc Liêu này, chỉ có làm chủ công nghệ mới có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Theo Minh Nhật (Khoa học & Phát triển)