Sáng kiến cộng đồng

View Original

Tôi mong nhiều em bé được trải nghiệm in tranh Đông Hồ

Có một cô gái trẻ đang có công việc yên lành đã bỏ ngang, dành trọn tâm sức cho ước mơ đưa tranh Đông Hồ đến gần hơn với nhiều người, nhất là trẻ em.

Nguyễn Thị Thanh Mai - tác giả dự án INGO (thực ra là cách gọi của in gỗ) - dám chấp nhận thử thách chính mình để hiện thực hóa một ý tưởng dẫu phía trước còn nhiều gian truân.

Nguyễn Thị Thanh Mai (đứng) giới thiệu và hướng dẫn các bạn nhỏ và phụ huynh tự in tranh Đông Hồ - Ảnh: Q.L.

Từ một nỗi hổ thẹn

Những bức tranh Đông Hồ nằm trong hành lý được mẹ mua cho ngày Mai lên đường du học không ngờ lại dẫn cô gái đến dự án có vẻ chẳng liên quan đến ngành học cơ khí của mình. Mai có hai năm hoàn thành học phổ thông tại Úc trước khi vào ĐH Quốc gia Singapore, chọn học cơ khí chuyên ngành cơ - điện tử.

Có nỗi hổ thẹn bất chợt khi bạn bè hỏi Mai về những bức tranh Đông Hồ cô mang đến lễ hội sinh viên quốc tế trong những ngày học ở đảo quốc sư tử. Các bạn hỏi về nguồn gốc, ý nghĩa tranh nhưng... Mai không trả lời được! 

Mai kể: "Cảm giác mình không có thông tin để nói cho bạn bè các nước về tranh Đông Hồ rất khó chịu. Sao mình lại không tìm hiểu về tranh nhỉ. Câu hỏi ấy ám ảnh tôi".

Nguyễn Thị Thanh Mai giới thiệu và hướng dẫn các bạn nhỏ và phụ huynh tự in tranh Đông Hồ - Ảnh: Q.L.

Cô gái tìm về làng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Mai từng nghĩ tranh dân gian Đông Hồ là tranh vẽ nhưng thực tế không phải vậy. Mỗi tác phẩm tranh Đông Hồ trên giấy dó là tranh in từ những bản khắc gỗ. Phức tạp nhất sẽ là năm bản, đơn giản hơn chỉ cần ba bản khắc gỗ in các chi tiết khác nhau để tạo thành bức tranh.

Ứng với năm bản khắc gỗ là năm màu truyền thống của tranh Đông Hồ, được tạo ra từ các chất liệu tự nhiên. Màu đỏ nâu được tạo từ sỏi son, màu trắng từ vỏ điệp, màu đen từ lá tre, màu vàng từ hoa hòe và màu xanh từ lá chàm.

"Đây là những điều nhập môn mình luôn chia sẻ với bất cứ ai muốn tìm hiểu về tranh Đông Hồ trước khi có thể tự tay in một bức tranh" - Mai cười hiền lành.

Đưa tranh đến với trẻ

Các bạn nhỏ cùng thử nghiệm tự tay in cho mình bức tranh Đông Hồ yêu thích - Ảnh: Q.L.

Những chuyến tìm về làng tranh Đông Hồ giúp cô gái gốc Đà Nẵng kịp "bắt mối" với số nghệ nhân khá ít ỏi còn lại. Mai tìm được nguồn giấy dó, đặc biệt là nơi cung cấp màu in tranh truyền thống theo công nghệ và bí quyết riêng còn được lưu giữ của làng tranh. Mai chọn trẻ em là đối tượng tiếp cận chính cho dự án của mình.

Thay cho các bản khắc gỗ tranh Đông Hồ vốn nhiều chi tiết và không phải đứa trẻ nào cũng thấy dễ hiểu, cô gái tự làm các bản in gần gũi với các em hơn. Làm việc với họa sĩ, thợ khắc gỗ, cuối cùng Mai có được những bản khắc gỗ của bốn bức tranh: bé trai, bé gái, cá voi và bọ ngựa để tự tin "chào hàng" với các trường học.

Dự án của Mai đã được giới thiệu tại hai trường tiểu học quốc tế, một trường tiểu học công lập ở TP.HCM trong tiết học ngoại khóa với chi phí vừa phải. 

Ở đó, học trò được tự tay chọn và in bức tranh mà các em thích. Có trường đã mua lại cả chục bộ khắc gỗ làm học cụ tiết ngoại khóa về tranh Đông Hồ.

Cùng chạy dự án với Mai là hai cô bạn - Ngô Thị Ngọc Dung (chuyên tổ chức hoạt động) và Hà Thị Thu Ngân (truyền thông các hoạt động, chương trình đi kèm của dự án) cùng vài tình nguyện viên khác. 

"Có thể hơi tham nhưng tôi mong sẽ có nhiều em bé và cả người lớn được trải nghiệm in tranh Đông Hồ, để hiểu và nhớ sâu hơn nét văn hóa dân tộc Việt Nam khá đặc sắc này" - Mai bộc bạch.

Hiện cô gái trẻ vẫn đang bồi cho đôi cánh cứng cáp hơn mỗi ngày để nét văn hóa in tranh Đông Hồ thêm vững và có thể bay cao hơn, khi mà nghề làm tranh Đông Hồ truyền thống đang dần mai một.

1.800 trẻ tự in tranh Đông Hồ

Mới đây, có một số gia đình đã dẫn con đến nghe Mai cùng các bạn nói về tranh Đông Hồ trong chương trình tổ chức tại P.Thảo Điền (Q.2). Được mẹ hỗ trợ, cô bé Nikita (người Ấn Độ) đã tự in cho mình bức tranh và nói cô rất thích. Mẹ bé Nikita cho biết bà từng nghe nói về tranh Đông Hồ nhưng được tự tay in tranh quả là ấn tượng đáng nhớ.

Ở góc khác, ba cô bé người Việt Nam tay lấm lem màu in, quẹt cả lên mặt cười tít: In tranh quá vui! Nhưng với Mai, hơn 1.800 trẻ làm quen và tự in tranh Đông Hồ từ dự án của mình vẫn là con số khiêm tốn.

"Mình thích sáng tạo đổi mới và luôn tự hỏi tại sao không thể biến thành thực tế khi mình có ý tưởng. Dự án được 'nuôi' bằng tiền tiết kiệm cá nhân sau ba năm làm việc tại Singapore và mình vẫn đang tìm hướng đi mới để dự án bền vững hơn" - Mai bộc bạch.

Quốc Linh - Báo Tuổi trẻ