Một giáo viên thử nghiệm “khóa tất cả điện thoại” trong giờ học, chuyện gì xảy ra?
Đầu học kỳ mới, cô Joelle Renstrom, một giảng viên của Đại học Boston (Mỹ), phát cho mỗi sinh viên một chiếc túi nhỏ có khóa, yêu cầu tắt tiếng điện thoại trước giờ học, cất vào túi, khóa lại. Cô nói rằng đây là một thử nghiệm và cô muốn họ trung thực. Kết quả khảo sát sẽ được thu thập vào đầu và cuối kì học.
Ban đầu, chắc bạn cũng hình dung ra, nhiều sinh viên lập tức tìm biện pháp chống chế. Một vài bạn cất điện thoại vào túi nhưng không khóa lại – mặc dù vẫn không thể sử dụng được điện thoại, nhưng nó giống như một cách ‘phản kháng lặng lẽ’.
Vài người chat và truy cập mạng xã hội qua máy tính cá nhân. Tuy nhiên các túi khóa đã khiến sinh viên bỏ được việc sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Trước đây nhiều sinh viên thường xin phép vào nhà vệ sinh và mang theo điện thoại di động rồi mất hút trong đó 10 đến 15 phút, nhưng bây giờ số chuyến ‘thăm viếng’ nhà vệ sinh đã giảm xuống rõ rệt.
Đầu kỳ, 26% số sinh viên của trong lớp cho rằng túi khóa sẽ khiến lớp học ít bị làm phiền hơn. Đến cuối học kì, gấp đôi số đó (51.85%) nói rằng đúng là như vậy. Và sự thừa nhận này không hề miễn cưỡng chút nào.
Khi cô hỏi liệu xã hội có tốt hơn nếu điện thoại di động được sử dụng ít đi không:
- chỉ có 15% trả lời KHÔNG.
- 2/3 (65%) nói CÓ,
- và 19% trả lời “em nghĩ vậy”.
Hơn một nửa số sinh viên cho rằng sử dụng điện thoại ít hơn sẽ giúp cho giao tiếp và trao đổi mặt đối mặt tốt hơn.
“Em bắt đầu chú ý xem điện thoại di động đã can thiệp vào cuộc đời mình thế nào”, một sinh viên viết. “Thời gian ở trong nhà tắm là quãng thời gian em thích nhất vì lúc đó em buộc phải buông điện thoại ra, chỉ suy nghĩ chứ không lướt màn hình một cách vô thức nữa”.
Hồi đầu học kì, 48% nói môi trường học ít bị quấy nhiễu sẽ giúp ích cho việc học.
Cô Joelle hỏi: nếu các bạn đã nghĩ như vậy, tại sao các bạn vẫn giữ điện thoại quanh người để bị phân tâm?
20% trả lời là vì bị ‘nghiện’ – một từ họ không muốn phải thừa nhận chút nào.
Nhiều người kêu: "vì nhàm chán".
Rất tiếc, nhiều nhà triết học đã chỉ ra rằng, sự nhàm chán là cần thiết, giúp kích thích trí tưởng tượng và tham vọng. Nhàm chán không phải là thứ những sinh viên mắc kẹt cần được ‘giải cứu’.
Công nghệ là một phần trong cuộc sống của con người. Không phải phần tốt hay xấu, nó phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào.
Trong khi 39% sinh viên nói rằng việc tìm hiểu tác động của điện thoại cũng không thay đổi suy nghĩ hay hành vi của họ, 28.5% người đã dùng điện thoại ít hơn và 21.5% người hiện đã cố gắng nhận thức nên sử dụng điện thoại như thế nào và vào lúc nào.
Một nửa số sinh viên suy nghĩ nhiều hơn về vai trò của điện thoại, và đó chính là bước đầu tiên định hướng mối quan hệ của chúng ta với công nghệ, thay vì để công nghệ dẫn dắt chúng ta.
Vì muốn hiểu sâu hơn cảm giác của thế hệ trẻ trong câu chuyện di động này, cô Joelle đã hỏi thêm các sinh viên xem họ có đồng ý cấy điện thoại vào cơ thể không, và đây là câu trả lời:
- 7%: Có chứ, điện thoại càng ở gần bên em càng tốt!
- 7%: Có chứ - nếu nó là xu hướng tất yếu thì em cũng thuận theo thôi
- 7%: Tùy thuộc chi phí thế nào
- 11%: Tùy vào việc có nhiều người làm thế chưa
- 36%: Tùy vào việc có nhiều rủi ro về mặt vật lý học không
- 32%: Không bao giờ.
Hai phần ba số sinh viên của cô ít nhất sẽ cân nhắc đến việc để điện thoại di động trở thành một phần của cơ thể, điều đó có nghĩa là chấp nhận tất cả các hậu quả có thể xảy ra, chẳng hạn như gặp sự cố kỹ thuật, hay có thể bị phụ thuộc thông tin.
Nhưng đây chỉ là những câu hỏi giả thuyết. Có lẽ khi xảy ra thực tế, một số người sẽ quyết định bảo vệ quyền-được-rời-xa-điện-thoại của họ. Có lẽ họ sẽ thấy nhớ quãng thời gian không phụ thuộc điện thoại, giống như cảm giác chúng ta nhớ về thời thơ ấu đã trôi xa.
Việc tham gia vào cuộc sống hiện đại ngày nay đòi phải có công nghệ, đặc biệt là công nghệ điện thoại thông minh. Chúng ta thanh toán các hóa đơn, giao tiếp với gia đình và bạn bè, đọc tin tức, xin việc, học hành và chăm sóc sức khỏe qua các trang web và ứng dụng. Những phương thức truyền thống cũ không còn tồn tại nữa. Chúng ta phải thích nghi.
Nhưng thích nghi thế nào là tùy thuộc vào chính chúng ta. Ta có chat qua điện thoại với người ngồi ngay phòng bên cạnh, hay có giữ khư khư điện thoại không buông trong bữa ăn tối không? Ta có hạn chế giao tiếp với người khác ít nhất có thể và dùng công nghệ làm công cụ trung gian không.
Đơn giản, và mấu chốt, chính là sự lựa chọn của chúng ta. Chọn để mình chủ động với công nghệ hay để công nghệ dẫn dắt mình. Cũng như ở ví dụ trên kia, chọn cấy điện thoại vào cơ thể bởi vì ta đã suy nghĩ kĩ và thực sự muốn làm thế, chứ không phải vì ‘không biết nữa, cứ làm thế đi’.
Cô Joelle nói khi kết thúc cuộc thử nghiệm này: “Hy vọng rằng, các sinh viên của tôi, và tất cả các bạn sinh viên khác nữa, quyết định đặt điện thoại di động xuống không phải vì giáo viên yêu cầu làm thế, mà là vì họ quyết định như vậy, sau khi đã phân tích và suy nghĩ. Vì họ lựa chọn như vậy”.
Hà (Theo Quartz)