Sáng kiến cộng đồng

View Original

MS-056: ‘Đèn đỏ, bỏ sách’ phòng tránh cận thị

Sau hơn hai tháng mày mò, bộ sản phẩm phòng tránh cận thị (thanh ngang gắn với bàn học và mạch cảm biến ánh sáng) của thầy trò Trường THPT Ernst Thalmann, quận 1 đã hoàn thiện và được một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Tân đặt hàng lắp ráp cho lớp học.

Thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm cùng trò đang thử nghiệm trên chiếc bàn có thanh ngang phòng tránh cận thị.

Đó là ý tưởng dự án mang tên “You Can See - Đèn đỏ, bỏ sách” của giáo viên vật lý Huỳnh Kiều Viết Lãm, được thực hiện cùng giáo viên Trương Hồng Ngọc và 87 học sinh của Trường THPT Ernst Thalmann, trong đó chủ yếu là các em khối 11.

Dự án đã được triển khai từ ngày 19-8, đến nay các sản phẩm đã dần hoàn thiện. Trong dự án trên, các em đã cùng nhau thiết kế thanh ngang làm từ gỗ, nhựa, nhựa trong với chức năng có thể tháo ráp và điều chỉnh dễ dàng trên những chiếc bàn học. Thanh ngang sẽ cách mặt bàn 25 cm với mục đích ngăn các em học sinh cúi đầu quá thấp khi viết bài.

Đi kèm với chiếc thanh ngang là mạch cảm biến ánh sáng. Theo một kết quả nghiên cứu, khi cường độ ánh sáng hơn 300 lux mới đảm bảo cho việc học, còn khi ánh sáng dưới 300 lux sẽ không tốt cho mắt, gây ảnh hưởng đến thị giác, thiết bị sẽ hiện màu đỏ báo động người dùng nên thay đổi chỗ ngồi hay tăng cường ánh sáng. Vì thế dự án còn có tên gọi “đèn đỏ, bỏ sách”.

Nói về ý tưởng của dự án, thầy Lãm chia sẻ học sinh rất thiếu kiến thức về đôi mắt, về cách bảo vệ, tư thế ngồi sao cho khỏi ảnh hưởng mắt. Từ đó thầy đã nảy sinh ý tưởng thực hiện một dự án để các em có thể hiểu rõ về hơn về “cửa sổ tâm hồn” của mình và có trách nhiệm bảo vệ nó. Ngoài ra, mục đích của dự án còn giúp các em được trải nghiệm, vận dụng những kiến thức liên môn như vật lý, tin học, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học… vào thực tế.

Chăm chú, mày mò trên những mạch điện, em Bình dừng tay chia sẻ được ba chỉ về mạch điện từ lúc nhỏ nên khi được áp dụng những kiến thức đó vào việc thực hiện dự án em thấy vui. “Trong một buổi, em có thể làm được 2-3 mạch điện cảm biến ánh sáng, mạch cảm biến rung. Em còn chỉ dạy cho các bạn khác nữa. Nhờ thực hành, các môn học trở nên thú vị, gắn liền với cuộc sống chứ không còn khô khan như trước”.

Sau hơn hai tháng làm việc tích cực, khẩn trương, qua những lần thử nghiệm, sản phẩm của nhóm dần thay đổi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng.

“Sau khi thử nghiệm, xem xét sản phẩm và những ứng dụng thực tế của nó, Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Thạnh đã đồng ý lắp ráp sản phẩm thanh ngang cho một lớp học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xuống thực hiện” - thầy Lãm vui vẻ thông báo.

Cô Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Tân, cho biết khi biết về bộ sản phẩm gồm thanh ngang và mạch cảm biến ánh sáng của thầy trò Trường Ernst Thalmann, cô thấy rất thiết thực.

Sau khi tìm hiểu kỹ cô quyết định sẽ đặt hàng thầy lắp ráp thử cho một lớp học trong trường. Bởi thực tế số lượng học sinh bị cận thị ngày càng tăng một phần do ý thức của các bé trong quá trình học bài. Cô hy vọng rằng với chiếc thanh ngang được gắn trên bàn học sẽ giúp các bé ngồi học đúng tư thế, không cúi đầu xuống thấp khi viết.

Cô Huyền cho biết cô hiệu trưởng và ban giám hiệu trường rất ủng hộ và đồng ý lắp đặt thử thanh ngang tại lớp học 1.13 do cô Huyền chủ nhiệm.

Theo Nguyễn Quyên (Pháp Luật TPHCM)

Bài gốc

See this gallery in the original post