Seoul – Thành phố của sự sẻ chia (Phần 1)
Seoul được biết đến là thành phố thông minh đầu tiên của Châu Á, với hệ thống băng thông rộng hiện đại và công nghệ di động 5G, mạng lưới wifi miễn phí.
Nhưng Seoul còn một góc độ khác cũng rất đặc biệt mà nhiều người có lẽ chưa biết tới – đó là một thành phố của sự sẻ chia.
Sự sẻ chia xuất phát từ những nhu cầu bức thiết trong bối cảnh dân số thành phố quá đông với hơn 10 triệu người.
Lượng người thực tế sống, làm việc hàng ngày ở khu vực thủ đô lên tới 25 triệu dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng, không gian, tiện ích cùng hàng loạt các vấn đề khác như già hóa dân số, thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, ô nhiễm môi trường đáng lo ngại.
Sức ép lên thành phố gần như ở đỉnh điểm và nguy cơ không kiểm soát nổi cực cao nếu như không có những giải pháp tức thời, đột phá được đưa ra.
Tháng 9 năm 2012, chiến dịch ‘Một Seoul chia sẻ’ đã được Park Won Soon, thị trưởng thành phố khi đó, phát động.
Đối tượng thực hiện được áp dụng trên phương diện rộng từ các cơ quan chính phủ đến các doanh nghiệp và người dân. Hàng loạt mô hình chia sẻ được thực hiện rộng rãi từ nhỏ đến lớn, từ chia sẻ những chỗ đỗ xe chưa sử dụng, tới cho thuê phòng trống, từ quần áo thậm chí thức ăn của trẻ con, đến sách vở và hỗ trợ nhân lực cho cộng đồng.
Chia sẻ từ việc cho phép công dân sử dụng không gian trống trong các khu vực công cộng hay không gian thuộc sở hữu của chính phủ, đến những nguồn lực, tiện ích chưa sử dụng trong các văn phòng. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân với sự hỗ trợ chiến lược từ phía chính quyền.
Ba mũi nhọn được đặt ra trong chiến dịch ‘Một Seoul chia sẻ’ là: thay đổi các luật lệ và hệ thống đã lỗi thời, hỗ trợ các doanh nghiệp chia sẻ, và khuyến khích sự tham gia của người dân.
Hàng chục chương trình đã được xây dựng để thực hiện chiến dịch, trong đó nhiều chương trình gặt hái được những thành công đáng kể như:
‘Các tòa nhà công cộng’: Mở cửa cho phép người dân sử dụng không gian trống hay khi không làm việc tại các tòa nhà công cộng, các tòa nhà thuộc sở hữu của chính quyền.
Đến nay đã có hơn 800 tòa nhà tham gia vào chương trình này với trên 30.000 lượt sử dụng từ người dân thành phố Seoul.
‘Khởi động khởi nghiệp’: Hơn 20 nhóm đã được lựa chọn vào chương trình ‘Doanh nhân trẻ khởi nghiệp’ ở đó họ được cung cấp văn phòng, vốn, và được đào tạo cũng như tư vấn xây dựng hoạt động kinh doanh.
‘ShareHub’: được điều hành bởi Hội sáng tạo Hàn Quốc, ShareHub là địa chỉ để tìm tất cả những gì có thể được chia sẻ ở Seoul.
‘Hỗ trợ tài chính’: 461 triệu won (450.000 đô la) đã được đầu tư vào 27 tổ chức hay doanh nghiệp chia sẻ. Trong số đó có những nền tảng hỗ trợ cho các chia sẻ nhà ở kiểu như Airbnb, chia sẻ trao đổi quần áo cho trẻ em, chia sẻ chỗ để xe và chia sẻ hàng hóa.
Các dự án này đã tạo ra hơn 400 bãi đỗ xe chung; tăng 68% lượng nhà cho thuê; và tăng gấp đôi số lượng quần áo trẻ em được trao đổi, từ 18.000 đến 40.000 chiếc.
‘Trường học khởi nghiệp’: Để khuyến khích khối doanh nghiệp tham gia, chính quyền đã khởi động một chương trình nhằm giúp các doanh nhân hiểu được nền kinh tế chia sẻ và hỗ trợ họ trong việc tạo ra các doanh nghiệp chia sẻ.
‘Nhà ở và kết nối các thế hệ’: Chương trình được tạo ra để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở và giảm sự cô lập xã hội ở người cao tuổi, theo đó người cao tuổi sẽ cho sinh viên thuê các phòng trống trong nhà mình với giá thấp thậm chí miễn phí, đổi lại các sinh viên sẽ hỗ trợ họ trong cuộc sống chẳng hạn như cung cấp dịch vụ đồng hành trò chuyện.
Hà