Sáng kiến cộng đồng

View Original

Seoul – Thành phố của sự sẻ chia (Phần 2)

Từ khi thị trưởng Seoul phát động chiến dịch ‘Một Seoul chia sẻ’, hàng chục chương trình đã được xây dựng để thực hiện chiến dịch, trong đó nhiều chương trình gặt hái được những thành công đáng kể như:

Các tòa nhà công cộng, Khởi động khởi nghiệp, ShareHub, Hỗ trợ tài chính, Trường học khởi nghiệp, Nhà ở và kết nối các thế hệ.

‘Trung tâm Thanh niên Seoul’: Đây là một sáng kiến khác của chính quyền Seoul. Trung tâm Thanh niên Seoul là nơi dành cho những người trẻ tuổi tập hợp, gặp gỡ trực tiếp nhằm trao đổi và thiết kế xã hội tương lai.

‘Chia sẻ xe’: Hiện đã có hơn 600 địa điểm chia sẻ xe tại Seoul với hàng ngàn xe ô tô đã được chia sẻ thông qua các công ty như Socar và Greencar, số người sử dụng dịch vụ này lên tới trên 2.000.000 người.

Ảnh: bãi đậu xe Nanum Car (một dịch vụ chia sẻ xe). Thành viên có thể dùng thẻ thường niên, hoặc thuê theo giờ và được sử dụng xe ở bất kì bãi đỗ xe nào trong hệ thống. Dịch vụ này giúp giảm lượng xe lưu thông, cũng giúp các gia đình tiết kiệm chi phí mua xe ban đầu. Nguồn: seoul.gov.kr

‘Trao đổi hàng hóa’: Qua các trang web như e-Poomasi, mọi người có thể trao đổi hàng hoá hoặc dịch vụ mà không sử dụng tiền. Đã có hàng chục ngàn giao dịch chia sẻ của các công dân thành phố tại 15 quận / huyện trên khắp Seoul sử dụng dịch vụ này.

Ảnh: một trang chia sẻ hàng hóa đang hoạt động khá sôi động tại Seoul. Nguồn: shareable.net

‘Trung tâm dữ liệu mở’: 1.300 bộ dữ liệu đã được phát hành ra công chúng để sử dụng trong kinh doanh hoặc xã hội dân sự.

‘Thư viện cho vay’: Có hơn 30 thư viện cho thuê sách, thư viện cho thuê và sửa chữa dụng cụ đã được mở và đang hoạt động hiệu quả.

Ảnh: Thư viện công cụ, một trong số hàng chục thư viện chia sẻ tại Seoul. Nguồn: shareable.net

‘Ngân hàng hình ảnh Seoul’: trang web để người dân và chính phủ cùng chia sẻ các hình ảnh về đời sống xã hội Seoul, con số ảnh được tải lên đã lên tới hàng triệu ảnh.

Sự sẻ chia giờ đã trở thành một nét văn hóa mới, với những thay đổi lớn lao trong nhận thức và thái độ sống của người dân thành phố. Thay vì tích lũy, xây nhiều nhà, mua sắm xe và các vật dụng mới, mọi người đã bắt đầu chia sẻ những gì họ có.

Ảnh: Một bãi xe đạp chia sẻ. Nguồn: Kojects.com

Dĩ nhiên, sự chia sẻ rộng rãi này đạt được là nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã rất phát triển tại Seoul. Nhưng công nghệ không phải là tất cả. Hàn Quốc có truyền thống gọi là "Pum-si-si ", nơi người ta chia sẻ thức ăn với hàng xóm, mượn và cho mượn dụng cụ, thiết bị hoặc hàng hoá khác với người khác và trao đổi lao động vào mùa gặt.

Mặc dù công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã khiến những hoạt động kiểu như vậy mờ nhạt hơn, nhưng chính quyền và người dân đã nỗ lực gây dựng lại truyền thống này.

Và vì thế, chiến dịch ‘Một Seoul chia sẻ’ thành công chính là do nền tảng từ truyền thống chia sẻ tốt đẹp của người dân Hàn Quốc. Nan Shil, giám đốc một công ty công nghệ tại Seoul, cho biết.

Ảnh: thử đồ tại cửa hàng của OpenCloset, một trong những công ty khởi nghiệp chia sẻ tại Seoul. Nguồn: shareable.net

Chiến dịch ‘Một Seoul chia sẻ’ đã giúp Seoul giải quyết nhiều vấn đề bức thiết, giảm áp lực đáng kể lên hạ tầng, an sinh và môi trường thành phố. Nhờ công nghệ tiên tiến, chiến dịch này thu được nhiều thành công.

Nhưng ngược lại, cũng nhờ thành công từ chiến dịch này, Seoul càng có điều kiện hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin nói riêng và hạ tầng thành phố nói chung để vươn lên thành một đô thị thông minh hàng đầu Châu Á.

Nối tiếp những thành công của Seoul, hiện các thành phố lớn khác của Hàn Quốc như Busan, Gwangju cũng đang triển khai nhiều chiến dịch với tham vọng xây dựng thành công mô hình thành phố chia sẻ này.

Nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đang lựa chọn cho mình những chương trình phù hợp để đối phó với cơn lốc đô thị hóa và các vấn đề quanh nó, tất nhiên với những cách thức triển khai khác nhau và mức độ thành công cũng sẽ khác nhau do những khác biệt về văn hóa và đặc điểm dân số, kinh tế, xã hội của từng thành phố.

See this gallery in the original post