Cậu bé 15 tuổi sáng chế thiết bị giúp người ông bệnh Alzheimer của mình không bị lạc
Kenneth Shinozuka, một cậu bé 15 tuổi sống ở New York, đã làm ra một giải pháp giúp ông mình - một bệnh nhấn mắc bệnh Alzheimer - khỏi bị đi lạc khi mộng du.
Ông của Shinozuka là một trong 5,2 triệu dân Mĩ đang phải chống chọi với Alzheimer, trong số đó có 65% có xu hướng thức tỉnh và mộng du trong đêm.
Chính vì điều này mà ông đã gặp nhiều tai nạn. Có một lần cảnh sát đã tìm thấy ông ở một xa lộ cách nhà hơn 3km. Bản thân Shinozuka cũng bộc bạch “Em phát hiện ông mình có bệnh từ khoảng 2 năm trước. Dì em thường phải thức khuya để canh ông.”
Shinozuka đã giúp ông mình cũng như hàng triệu bệnh nhân khác bằng việc phát triển một hệ thống cảnh báo không dây để phát tín hiệu tới điện thoại của người chăm sóc khi bệnh nhân rời khỏi giường.
Hệ thống hoạt động nhờ một cảm biến siêu mỏng in bằng mực dẫn điện và một mạch không dây nhỏ bằng đồng xu được gắn lên vớ hoặc giày. Khi bệnh nhân bước ra khỏi giường, hệ thống tiếp nhận áp lực và gửi tín hiệu cảnh báo qua Bluetooth tới ứng dụng điện thoại mà Shinozuka viết.
Trong 6 tháng thử nghiệm, sản phẩm phát hiện toàn bộ 437 lần ‘mộng du’ của người ông, mà không một lần cảnh báo sai. Cậu cũng dùng dữ liệu nhận được để nghiên cứu sự tương quan giữa hoạt động hằng ngày và triệu chứng mộng du.
Shinozuka hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm sản phẩm tại ba nhà dưỡng lão trước khi triển khai ngoài thị trường.
“Em không thể quên được niềm vui của gia đình khi họ lần đầu thấy cảm biến hoạt động,” Shinozuka viết trong dự án. “Vào giây phút đó, em hiểu rằng công nghệ thật sự có thể thay đổi cuộc sống. Dì em cũng không cần phải tỉnh giấc mỗi 30 phút để trông chừng ông nữa.”
Sản phẩm này cũng đã giúp Shinozuka giành giải thưởng cao nhất tại Google Science Fair. Cậu được nhận một chuyến đi 10 ngày tới Galapagos, một chuyến thăm quan Virgin Galactic Spaceport và 50,000 USD học bổng.
Hiệp (Theo Fastcompany)