Các thành phố đã làm gì với những người đi bộ cắm mặt vào smartphone
Hình ảnh những người vừa tham gia giao thông vừa dán mắt vào điện thoại di động ngày càng dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày. Nhận thấy những rủi ro từ điều này, nhiều thành phố đã đưa ra những biện pháp giải quyết đầy sáng tạo.
Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội An toàn Đường cao tốc Hoa Kỳ, số vụ tai nạn giao thông gây chết người có liên quan đến người đi bộ đã tăng 22% kể từ năm 2014. Các chuyên gia cũng chỉ ra con số trên tỷ lệ thuận với sự gia tăng của việc sử dụng điện thoại.
Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để có hạn chế hiệu quả tình trạng này?
Cũng giống như làn đường dành cho xe đạp, hiện nay, nhiều thành phố đã có làn đường dành riêng cho người dùng điện thoại trên các vỉa hè và trong các khu vực dành cho người đi bộ.
Tiên phong cho mô hình này chính là Washington, D.C khi xây dựng làn đường dành cho người dùng smartphone từ năm 2014 ở.
Ngoài ra, tại trung tâm Antwerp, Bỉ, những người nghiện sử dụng điện thoại cũng sẽ có một một làn đường riêng như đã quy định bằng văn bản vào năm 2015 nhằm hạn chế xảy ra va chạm và tai nạn giao thông.
Tương tự, một khu đô thị ở Trùng Khánh, Trung Quốc cũng đã xây dựng một làn đường dài 50 mét cho người sử dụng điện thoại di động.
Tuy nhiên, biện pháp này có vẻ không thực sự hiệu quả khi phần lớn người dùng điện thoại vẫn bỏ qua các dấu hiệu này
Nhiều người chỉ nhìn màn hình điện thoại nên không quan sát thấy tín hiệu giao thông. Bởi những người này thường nhìn xuống mặt đường nên đã có những ý tưởng đặt đèn giao thông ở ngay bên dưới mặt đường.
Áp dụng mô hình này, thị trấn Bodegraven, Hà Lan đã lắp các biển hướng dẫn tại mặt sàn. Các nhà quy hoạch đô thị tại thành phố Augsburg của Đức lại ủng hộ việc sử dụng các biển báo giao thông được đặt bên dưới mặt đường, sử dụng đèn đỏ và xanh để báo hiệu sự an toàn khi qua đường.
Singapore cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình sử dụng biển báo giao thông bằng đèn Led. Tuy nhiên, trước khi triển khai rộng rãi mô mình này, Cơ quan Quản lý Giao thông vận tải Singapore đã có kế hoạch kiểm tra xem liệu mô hình này có phù hợp với đất nước này và người dân ở đây hay không?
Trong năm ngoái, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, người ta đã lắp đặt hơn 300 biển báo giao thông mới tại các nút giao thông và lối đi dành cho người đi bộ nhằm cảnh báo việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Ở Stockholm, các biển báo cảnh giác với “smartphone zombies” xuất hiện trên đường phố. Đây không phải là biển báo chính thức mà là một phần trong dự án nghệ thuật phá cách của nhà thiết kế Jacob Sempler. Cảnh sát địa phương có vẻ thể hiện sự đồng tình bằng quyết định nhắm mắt làm ngơ cho thiết kế này.
Những ví dụ trên thuộc vào giai đoạn một trong chương trình thay đổi thói quen dùng điện thoại di động tại thành phố.
Thị trấn Tilburg, Hà Lan đã nhanh chóng chuyển sang giai đoạn hai và bắt đầu kế hoạch khai thác sự phổ biến của điện thoại thông minh nhằm đảm bảo an toàn giao thông một cách toàn diện.
Công ty công nghệ Dynniq đã phát triển một ứng dụng thông minh dành cho người già và người khuyết tật. Ứng dụng này sẽ báo cho các đèn giao thông khi những người này đến gần. Khi người đi xe lăn định qua đường, đèn giao thông tại đó sẽ nhận được tín hiệu và tự điều chỉnh.
Đó là những ý tưởng thông minh và rất có tiềm năng. Các thành phố đang thay đổi cơ sở hạ tầng để phù hợp hơn với cách chúng ta tham gia giao thông nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người.
Lê Vân (Theo Smart-magazine)