Sáng kiến cộng đồng

View Original

10 giải pháp sáng tạo cho những người ‘vừa đi vừa nhắn tin’

Bạn có muốn vừa đi đường vừa nhắn tin không? Việc đó không có gì xấu, miễn là bạn có thể tránh tàu được thôi. Có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra khi người đi đường mải nhắn tin mà không chú ý đến đoàn tàu đang tới.

Một tai nạn như vậy đã xảy đến với một cô bé 15 tuổi tại Augsburg (Đức), và chính quyền buộc phải hành động. Giờ đây trên các tuyến đường băng qua đường ray xe lửa tại thành phố này đều được gắn hệ thống đèn báo hiệu, giúp người đi đường biết khi nào tàu đang tới dù vẫn mải mê nhắn tin.

Năm 2013, nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì điện thoại di động, Telus đã triển khai một chiến dịch mạng xã hội thú vị mang tên #keepitinyourpants.

Trang web của chiến dịch tràn ngập những câu nói vui nhằm cảnh báo thực trạng sử dụng điện thoại hiện nay và khuyến khích mọi người không ‘cắm mặt’ quá lâu vào điện thoại.

Ý tưởng đằng sau Tháng hành động vì ĐTDĐ là để khuyến khích các nhà mạng khuyến cáo người dùng phải luôn tỉnh táo khi dùng điện thoại. Nó được ra đời vào năm 2002 bởi Jacqueline Whitmore.

Giới học sinh, sinh viên được chia làm 3 loại: có người thích đi bộ, có người thích chạy và cũng có người thích nhắn tin.

Đại học Utah Valley tại Orem (Utah), nơi có khoảng 30.000 học sinh theo học, đã nghĩ ra giải pháp di chuyển cho cả 3 nhóm này - bằng cách sơn làn lên cầu thang. Tại đây cầu thang của trường được chia làm 3 làn riêng biệt dành cho 3 đối tượng khác nhau.

Vào năm 2014, một thành phố ở Trung Quốc đã sơn một làn đường dành riêng cho người dùng điện thoại, nơi họ có thể vừa đi bộ vừa nhắn tin hay lướt mạng mà không cần lo lắng xung quanh.

Mặc dù vậy, con đường nói trên ở Trùng Khánh lại mang ý nghĩa nhắc nhở người dùng ‘tự chịu trách nhiệm’ với hành động của mình.

Làn đường đặc biệt này được đánh dấu bằng một biểu tượng điện thoại di động để người đi đường phân biệt với các làn đường khác, nơi không chào đón những vị khách ‘cúi đầu’.

Năm 2015, Antwerp mang đến cho người dùng di động một làn đường chuyên biệt trên những tuyến phố đông đúc để họ có thể vừa đi bộ vừa nhắn tin mà không ảnh hưởng đến người khác.

Đây là sáng kiến của một nhãn hàng điện thoại di động địa phương, Mlab, nhằm khắc phục tình trạng điện thoại bị hư hỏng khi những người đi đường va chạm với nhau.

Năm 2008, chính quyền London quyết định thử nghiệm các miếng xốp bảo vệ bao quanh các cột đèn nhằm đảm bảo an toàn cho những người đi đường khi họ không chú tâm vào con đường trước mặt.

Những miếng xốp này được đặt tại con đường Brick Lane, nơi xảy ra nhiều tai nạn liên quan đến hành vi ‘vừa đi vừa nhắn’ của người dân. Một tổ chức từ thiện địa phương mang tên London Living Streets là người đứng sau dự án này.

Trong một nỗ lực đảm bảo an toàn cho người đi đường, nghệ sĩ đường phố Jay Shells đã vẽ lên những bức tường hai bên đường bằng những câu khẩu hiệu mang tính cảnh báo.

Các biển hiệu tại New York mang dòng chữ “Hãy chú ý khi đi đường - Bạn có thể cập nhật trạng thái Facebook sau” sẽ là cách giúp bạn phải chú ý và để ý hơn với những gì mình đang làm. Theo đó, Shells muốn mọi người chú tâm hơn, đặc biệt là khi băng qua đường.

Những người nhắn tin khi đi đường luôn chủ quan với những hiểm hoạ xung quanh họ, nhưng giờ đây đã có bằng chứng cho thấy họ phải luôn luôn tỉnh táo.

Đó là kết quả của một bài kiểm tra do Geoffrey A. Fowler, một cây viết của tờ Wall Street Journal thực hiện. Anh đã nhờ một người đồng nghiệp cải trang thành Chewbacca (một nhân vật trong dòng phim Star Wars) và đứng giữa một con đường đông đúc ở San Francisco.

Anh này sau đó đã đến hỏi từng người đi đường, những người đang mải mê nhìn xuống điện thoại, và hỏi xem liệu họ có để ý đến một con Wookie đang ‘thong dong’ ngoài đường hay không. Rất nhiều người nói rằng họ không để ý.

Ira Hyman Jr., một giáo sư tâm lý tại Đại học Tây Washington, giải thích rằng đó là hành vi mang tên “mù vì không chú ý” (inattention blindness).

Năm 2008, ông đã thực hiện một trong những bài kiểm tra tương tự khi ông hỏi người dùng có để ý đến một chú hề hay một chiếc xe đạp 1 bánh hay không. Một nửa số người không dùng di động trả lời “có” trong khi chỉ ¼ số người dùng di động để ý đến điều đó.

Hiệp (Theo Oddee)