Phẫu thuật nội soi bằng cánh tay robot
Bác sĩ phẫu thuật chăm chú nhìn vào màn hình 3D, điều khiển cánh tay robot uyển chuyển tiếp cận vào tận góc hẹp vùng dưới cùng của khoang bụng bệnh nhân. Cách đó không xa, cánh tay robot xoay trở linh hoạt, bóc tách các phần mô, cơ trước khi đưa lưỡi kéo cắt đứt khối u tuyến tiền liệt. Những thao tác phẫu thuật bằng cánh tay robot tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đang ngày một thuần thục.
Đỉnh cao phẫu thuật
Từ sáng sớm 8-2, phòng mổ nội soi, nơi đặt robot phẫu thuật của Bệnh viện (BV) Bình Dân đã được chuẩn bị xong. Ê kíp mổ 7 thành viên với tâm điểm là bác sĩ mổ chính Đỗ Lệnh Hùng ngồi điều khiển cánh tay robot.
Phía bàn mổ, bác sĩ phụ thực hiện thay thế dụng cụ mổ theo chỉ định của bác sĩ chính, đồng thời liên tục theo dõi các thông số sức khỏe của bệnh nhân.
Một thành viên ê kíp mổ cho biết, bệnh nhân Đ.V.C. (46 tuổi) được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, buộc cắt bỏ triệt để khối u để tránh di căn bằng phẫu thuật nội soi.
Do tuyến tiền liệt nằm sâu phía dưới cùng của khoang bụng, nếu mổ nội soi cổ điển buộc phải thực hiện vết mổ lớn, gây mất nhiều máu hơn.
Với cánh tay robot, vết cắt tuy nhỏ nhưng vừa đủ để cánh tay robot luồn lách, xoay trở linh hoạt trong khoang bụng bệnh nhân, bóc tách từng khối mô, cơ để lộ dần khối u.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật được trực tiếp trên màn hình hiển thị 3D tiên tiến nhờ camera phóng đại 12 lần đang nằm trong khoang bụng bệnh nhân. Bác sĩ chính và ê kíp hỗ trợ ca mổ trao đổi, phối hợp nhịp nhàng để ca mổ thực hiện nhanh nhất và chính xác nhất.
Theo TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, robot phẫu thuật tại BV là hệ thống robot daVinci do Mỹ sản xuất, vừa được BV đầu tư bằng gói vay kích cầu của TPHCM trị giá 71 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 11-2016.
Đây là robot phẫu thuật nội soi hiện đại nhất hiện nay được trang bị 4 cánh tay thao tác, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp trong phẫu thuật như cắt, khâu vết thương, kẹp giữ, hàn nối, bơm hút CO2…
Hiện tại, phẫu thuật bằng robot có thể sử dụng cho tất cả bệnh lý hệ tiêu hóa, gan, mật, tụy, tiết niệu, tim mạch, lồng ngực... đối với những bệnh nhân có chỉ định mổ nội soi và được sự đồng ý từ gia đình.
Nhu cầu cấp thiết
PGS-TS-BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc BV Bình Dân, cho biết phẫu thuật nội soi robot được thực hiện đầu tiên ở Mỹ (từ cuối những năm 1980).
Hiện phẫu thuật robot đã phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật lớn ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... để điều trị các loại phẫu thuật lớn, phức tạp. BV Nhi Trung ương (Hà Nội) là nơi đầu tiên ứng dụng robot phẫu thuật cho bệnh nhi, còn BV Bình Dân là nơi đầu tiên ứng dụng robot phẫu thuật cho bệnh nhân là người lớn.
Lợi điểm của hệ thống này là vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn nên bệnh nhân lành bệnh mau hơn.
Bác sĩ ngồi điều khiển robot sẽ đỡ vất vả hơn phải đứng hàng giờ liền thực hiện ca mổ bằng tay. Đặc biệt nữa là do có khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật viên từ khoảng cách rất xa vẫn có thể phẫu thuật được cho bệnh nhân.
Điều này mở ra khả năng ứng dụng lớn trong tương lai như trong các thảm họa thiên tai, chiến tranh, phẫu thuật cho các bệnh nhân ở các hải đảo hay các khu vực địa lý xa xôi…
Để có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ê kíp, nhóm thực hiện phẫu thuật đã trải qua quá trình đào tạo bài bản và công phu.
Trước hết, là đào tạo tại chỗ về lý thuyết theo giáo trình từ các hội chuyên ngành, đào tạo online với các chuyên gia nước ngoài, tập huấn từ lý thuyết đến thực hành tại nước ngoài, sau đó quay về thực hiện chuyển giao với các chuyên gia ngay tại BV cho 6 ê kíp phẫu thuật.
Đến nay, 6 ê kíp phẫu thuật này đã đều được cấp giấy chứng nhận của các giáo sư chuyên ngành phẫu thuật robot; làm chủ được công nghệ phẫu thuật robot và không cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
BV Bình Dân đã được Bộ Y tế duyệt 14 chỉ định phẫu thuật bằng robot với chi phí ước tính 80 - 100 triệu đồng một ca, trong khi đó tại nước ngoài chi phí lên đến cả tỷ đồng.
Hiện quỹ BHYT chấp nhận thanh toán trong một số chỉ định, điều kiện và đối tượng tham gia BHYT với mức 30% - 40% giá dịch vụ kỹ thuật, phần còn lại bệnh nhân tự thanh toán.