Sáng kiến cộng đồng

View Original

“Các nhà khoa học đừng trễ hẹn nữa…”

Trả lời câu hỏi "Tại sao quá trình nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và quyết toán lại tốn nhiều thời gian đến vậy, có khi phải mất đến 4 năm?" của khách mời tại buổi Giới thiệu chương trình nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ (KH&CN), Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng: “Để làm nhanh thì các nhà khoa học đừng trễ hẹn nữa”.

Chương trình diễn ra vào sáng ngày 21/2/2017 tại SIHUB (trực thuộc Sở KH&CN TP.HCM).

Báo cáo tình hình nghiệm thu đề tài năm trước cho thấy, có đến 80% các đề tài đều bị trễ hạn so với thời gian quy định.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, các chủ nhiệm đề tài cứ xin gia hạn hết 6 tháng này đến 6 tháng khác, dẫn đến việc các chủ nhiệm và Hội đồng xét duyệt vẫn cứ gặp mặt nhau cho đến vài năm sau.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở ra quy chế mỗi nhiệm vụ khoa học công nghệ chỉ được gia hạn một lần.

Thời gian gia hạn không quá 12 tháng đối với các nhiệm vụ có thời gian thực hiện trên 24 tháng và không quá 6 tháng đối với nhiệm vụ có thời gian thực hiện không quá 24 tháng. Sau thời gian đó, các nhà khoa học bắt buộc phải thanh lý đề tài.

“Đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất rủi ro, có lúc thành công, có lúc thất bại, thời gian nghiên cứu kéo dài hơn dự tính cũng là chuyện bình thường. Nhưng các nhà khoa học khi đăng kí đề tài cũng nên biết tự lượng sức mình, nhìn ngược nhìn xuôi xem mình làm được đến đâu, để đăng kí thời gian cho phù hợp”,  Phó Giám đốc Sở nói.

Năm nay, thủ tục đăng kí thực hiện nhiệm vụ được điều chỉnh cho tinh gọn và kịp thời. Cụ thể, đề tài không cần phải qua vòng sơ tuyển, các nhà nghiên cứu chỉ cần nộp bản đề cương thuyết minh, nếu được duyệt sẽ được cấp kinh phí thực hiện.

“Việc này tuy tiết kiệm thời gian nhưng cũng có những rủi ro cho các nhà khoa học. Khi không có vòng sơ tuyển, các nhà khoa học sẽ không có cơ hội được hội đồng tư vấn về việc chỉnh sửa lại tên đề tài, mục tiêu nghiên cứu… cho phù hợp.

Điều đó bắt buộc các nhà khoa học phải đầu tư nhiều công sức hơn và thời gian hơn khi thực hiện các bản đề cương”, ông Phùng nói.

Trong năm nay, Sở sẽ công bố kết quả xét hồ sơ 3 đợt/năm và các nhà khoa học có thể nộp hồ sơ liên tục trong năm.

Ông Phạm Văn Xu – Trưởng phòng Quản lý Khoa học nói: “Những năm trước đây, xét duyệt đề tài trong năm nay, năm sau mới tiến hành bố trí kinh phí.

Thời gian kéo dài như vậy gây không ít khó khăn cho các nhà khoa học. Nên sắp tới Sở sẽ xem xét cấp kinh phí cho các đề tài trong cùng một năm”.

Những lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ được Sở thực hiện sẽ không giới hạn nhưng tập trung ưu tiên các lĩnh vực:

Cơ khí và Tự động hóa; Điện – điện tử và Công nghệ thông tin; Hóa dược; Công nghệ thực phẩm và Công nghệ vật liệu; Công nghệ sinh học; Quản lý và phát triển đô thị.

Trong đó, ưu tiên sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trực tiếp ứng dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Sở cũng thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước.

Có 4 hình thức thực hiện các chương trình hỗ trợ.

1. Nghiên cứu theo đơn đặt hàng: Các tổ chức nộp hồ sơ thực hiện theo danh mục nhiệm vụ KH&CN được Sở công bố.

2. Tài trợ nghiên cứu: Các tổ chức đề xuất nhiệm vụ KH&CN. Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỉ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học và công nghệ; tối đa 500 triệu đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

3. Xây dựng sản phẩm mục tiêu: Các tổ chức phối hợp với doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KH&CN để hình thành và phát triển sản phẩm mục tiêu có quy mô thị trường lớn và giá trị kinh tế cao. Yêu cầu có sự đồng đầu tư của doanh nghiệp không dưới 50% tổng kinh phí.

4. Hỗ trợ dự án khởi nghiệp: Các tổ chức ươm tạo đề xuất dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kinh phí hỗ trợ không quá 2 tỉ đồng/dự án.

Bích Trâm - Khampha