An toàn thực phẩm cần đề cao vai trò của phòng thí nghiệm
Các cơ sở thí nghiệm có vai trò to lớn trong phát hiện, cảnh báo những nguy cơ về an toàn thực phẩm (VSATTP) cho người dân Thành phố.
Đây là đánh giá chung được đưa ra trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố (HĐND) với Sở Khoa học và Công nghệ (Sở) TP.HCM ngày 14/3/2017 về những vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân thành phố.
Các phòng thí nghiệm chưa liên kết chặt chẽ
Theo các số liệu của Sở, toàn Thành phố hiện có một mạng lưới rất nhiều các phòng, cơ sở thí nghiệm của Nhà nước và tư nhân, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Trong bối cảnh tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò của các phòng, cơ sở thí nghiệm này là rất lớn trong việc phát hiện, cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến VSATTP cho người dân Thành phố.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở nói: "Hệ thống phòng, cơ sở thí nghiệm này rất đa dạng, nhưng hiện đang hoạt động một cách đơn lẻ, thiếu kết nối. Sở đề nghị Thành phố sớm ban hành cơ chế, quy trình phối hợp để sử dụng có hiệu quả tiềm lực của các phòng thí nghiệm trên địa bàn TP".
Ông Dũng cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa đề cao vai trò trọng tài trong các phòng thí nghiệm. Điều này dễ dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị với nhau, khi phòng thí nghiệm này bảo kết quả phân tích của phòng thí nghiệm khác không đúng…
Đồng tình với kiến nghị này, bà Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) cho rằng, hiện nay, mạng lưới các phòng thí nghiệm là rất quan trọng khi có sự cố xảy ra.
Kiến nghị trên của Sở là nhằm mục đích nắm được tiềm lực của tất cả phòng thí nghiệm để có thể liên lạc với nhau, giải quyết những vấn đề nóng của xã hội.
Ông Phạm Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát Hội đồng nhân dân cho rằng, dù của Bộ, trường hay là tư nhân, bất cứ phòng thí nghiệm nào trên địa bàn TP thì Sở đều phải biết. “Bởi khi có sự cố, muốn hỏi gì, UBND sẽ đi hỏi Sở chứ không thể hỏi ai khác”, ông Hải nói.
Về việc kiểm định phòng thí nghiệm, ông Hải cho rằng, Sở KH&CN chưa có chức năng làm việc đó, nhưng đây là trách nhiệm của mình. Nếu cần, Sở có thể lập một bộ phận có chức năng đi kiểm định.
Bộ phận này có thể là người của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (CASE) hay bất cứ phòng thí nghiệm nào khác, miễn sao thông tin minh bạch tới thị trường.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở cho biết, trong thời gian qua, Sở đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nâng cao tiềm lực KHCN nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Về lĩnh vực trồng trọt, Sở đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu quy trình nhân giống và cung cấp giống, sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu hại. Thực hiện các biện pháp canh tác hữu cơ nhằm phòng trừ bệnh thán thư, bệnh sương mai…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, Sở cũng có những đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn trong chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất heo giống có chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng heo thịt theo hướng “cơ sở an toàn dịch”…
Hầu hết các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được Sở chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có chức năng và triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ 3 đầu mối nông sản thực phẩm (chợ Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền) xây dựng thương hiệu. Trong đó, tiêu chí xây dựng hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng nhất.
Ông Phùng cho biết, trong những năm vừa qua, TP đã đầu tư hơn 61 tỷ đồng cho (CASE) để xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm và trang thiết bị phòng kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi có khả năng đáp ứng các yêu cầu phân tích đòi hỏi độ chính xác cao.
Hiện nay, hầu như các chỉ tiêu phân tích mới, khó, nhiều nơi không thực hiện được thì CASE chính là địa chỉ tin cậy cho khách hàng với hơn 1.800 quy trình, phương pháp phân tích đang được áp dụng.
Được biết, chỉ trong năm 2016, CASE đã phân tích, kiểm nghiệm hơn 80.000 mẫu thử thuộc nhiều lĩnh vực đời sống – xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho TP và cả nước.
Trả lời về việc tại sao không xây dựng các phòng thí nghiệm tại các chợ đầu mối, bà Chu Vân Hải cho rằng, không thể thực hiện việc này để tránh tình trạng dàn trải ngân sách của TP. Thay vào đó, chúng ta có thể xây dựng những kit test nhanh tại những khu vực này.
Trước ý kiến về việc thời gian cho ra kết quả phân tích còn quá chậm, bà Hải cho rằng, hiện nay, CASE đang triển khai nhiều phương pháp phân tích nhanh để rút ngắn thời gian.
Thế nhưng, có những quy trình phân tích bắt buộc phải theo chuẩn thời gian quốc tế, trung tâm có muốn làm nhanh cũng không thể thực hiện được.
Không chỉ phân tích thí nghiệm, hiện nay, CASE cũng đã cắt cử một bộ phận riêng để theo dõi các vấn đề nóng của xã hội. “Đơn cử như thời điểm chất melamine có trong sữa, CASE là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phát hiện ra.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với nhiều đơn vị chức năng để dự đoán một số độc chất có trong thực phẩm và nhiều vấn đề khác trong an ninh trật tự, hàng tiêu dùng…”, bà Hải cho biết.
Đề cao tính tự chủ của các phòng thí nghiệm
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở đề nghị: “hầu hết các phòng thí nghiệm hiện nay đều đi theo hướng tự chủ. Về mặt quản lý nhà nước, ai cũng tham gia nhưng xu thế này đang giảm dần.
Đây là chuyện hết sức bình thường bởi phân tích cách dịch vụ cho quản lý nhà nước thì chi phí không có. Trong khi phân tích dịch vụ thì được trả phí”.
Chính vì vậy, nên tìm ra một cơ chế nào đó để khắc phục việc này. Có thể là tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể và bố trí kinh phí thực hiện cho các phòng thí nghiệm. Hoặc thậm chí là nhà nước cũng phải bỏ tiền khi muốn các phòng thí nghiệm thực hiện phân tích.