Sáng kiến cộng đồng

View Original

Gắn thiết bị này, ô tô, xe máy sẽ không còn lo đường ngập

Một học sinh ở Huế đã chế tạo ra thiết bị có thể hút nước ra ngoài nếu như ống bô xe ô tô, xe máy bị nước tràn vào.

Đó là thiết bị “Hỗ trợ khí động học cho động cơ xe ô tô, gắn máy” của em Nguyễn Hoàng Minh (lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc Học, TP. Huế, Thừa Thiên – Huế) nghiên cứu, sáng chế

Sản phẩm xuất phát từ tình hình lũ lụt

Đề tài của Nguyễn Hoàng Minh vừa giành giải Nhất của cuộc thi “Khoa học- kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Qua đó, trở thành 1 trong 6 đề tài đại diện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế tham dự Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2017 tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vào tháng 3 sắp tới.

Chia sẻ ý tưởng đề tài, Minh cho biết: “Xuất phát từ việc nước ta có nhiều nơi bị ngập lụt, triều cường khiến nhiều xe cộ chết máy giữa đường, người dân mất nhiều chi phí sửa chữa, em đã nghĩ ra thiết bị trên để có thể giảm thiểu đáng kể những tác động của thiên tai đối với con người”.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều công nghệ chống ướt rất tốt như lưới nano, sơn nano… tuy nhiên chúng có giá thành cao và không phải bất kỳ chỗ nào trên xe cũng có thể phun sơn được. Ở Việt Nam cũng đã có một sáng kiến giúp ống bô đi trong nước lũ và được đăng ký độc quyền.

Trước tình hình đó, Minh xác định đề tài của em cần phải có nhiều ưu điểm và khác biệt hơn những sản phẩm đã có trước đó, vì vậy em đã đưa ra hàng loạt yêu cầu cần phải đáp ứng với thiết bị này để có thể phổ biến đến tất cả mọi người.

“Đó là thiết bị phải hỗ trợ động cơ xe ô tô, xe máy không bị tắt khi mực nước cao hơn ống xả. Tránh tình trạng nước tràn vào nơi hòa khí, phun xăng. Bảo vệ tuổi thọ của động cơ. Hạ nhiệt độ của động cơ khi hoạt động quá sức. Giá thành rẻ. Nguyên liệu dễ kiếm”, Minh cho hay.

Ban đầu, em tìm hiểu các mô hình trò chơi RC (là trò chơi mô hình như tàu mô hình, xe tăng, máy bay chạy bằng động cơ điện) và thấy có nhiều điểm chung, vì thế em đã chọn các kết nối ở trò chơi RC để làm phần cốt lõi của mô hình. Sau đó, em nhờ một thợ cơ khí giỏi giúp em chế tạo bộ phận cơ khí.

Khắc tinh của “chết máy” xe

Minh cho biết, thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lí mang tên khí động lực học, tức là khả năng tạo dòng khí linh động để có thể đẩy nước.

Đó là thiết bị riêng biệt được đặt ngoài ống bô, được kết nối với ống bô bằng kẹp hoặc ren hoàn toàn chống nước. Thiết bị sẽ được gắn với đầu ra của ống bô bằng một vòng ren đã hàn sẵn, trên thiết bị sẽ một khoang chống nước để bảo vệ pin, cạnh khoang chống nước là một ống dẫn khí để đưa khí từ ngoài vào trong và tất nhiên sẽ không cho nước vào được.

Ngoài ra, do đang trong quá trình thử nghiệm nên Minh sẽ sử dụng tay cầm để thuận tiện cho việc điều khiển. Cấu tạo của thiết bị gồm có mô tơ chống nước, pin lipo, sạc, bộ điều tốc, cánh quạt, tay cầm.

Với sự kết hợp giữa kĩ thuật cơ khí và thiết bị RC, ưu điểm là khả năng chống nước rất tốt khi nước vào động cơ, đặc biệt thiết bị này còn có thể hút nước ra nếu như ống bô bị nước tràn vào; giảm thiểu được nhiệt độ khi hoạt động với công suất nhiều lần so với bình thường để đi qua khu vực ngập nước...

Giá thành của thiết bị rẻ hơn gấp nhiều lần so với các thiết bị tiên tiến của nước ngoài.

Ngoài ra, thiết bị này được Minh thiết kế bằng cách tối giản hóa khi tháo vào lắp nên cực kỳ nhanh và tiện; nguyên liệu dễ tìm và dòng xả của pin Lipo ít bị ảnh hưởng do đó thiết bị vẫn sẽ hoạt động tốt khi pin còn khoảng 20%.

“Ở Huế không có ngành Khí động học này, vì thế tất cả mọi thứ em tự tìm hiểu và học hỏi. Hiện tại em đang hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để chuẩn bị cho kỳ thi Quốc gia”, Minh cho biết.

 Đánh giá về thiết bị của Minh trên 2 tiêu chí: tính sáng tạo và có tính thực tế, thầy JU LYUN WIE (làm việc ở tổ chức KOICA, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc) đã chấm đề tài này ở mức 8/10 điểm.

Minh hy vọng, thiết bị này sẽ giúp ích cho mọi người trong hoàn cảnh lũ lụt bởi khả năng ứng dụng thực tiễn của thiết bị rất cao. Trong tương lai, em sẽ thực hiện thử nghiệm với ắc quy xe máy, ô tô để không cần pin lipo.

Nhật Tuấn - Khampha