Sáng kiến cộng đồng

View Original

Hệ thống cảnh báo lũ sớm của sinh viên Đà Nẵng

Đó là mô hình cảnh báo lũ tự động của bạn Nguyễn Huỳnh Nhật Thương (sinh viên khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng). Hệ thống được lắp đặt trên sông để đo đạc lưu lượng mưa trước khi lũ về, từ đó giúp người dân chủ động hơn khi ứng phó với lũ lụt.

Chia sẻ về ý tưởng “Hệ thống cảnh báo lũ sớm”, Nguyễn Huỳnh Nhật Thương cho biết: 

“Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cùng với tình trạng xả lũ thường xuyên của các đập thủy điện đã gây ra lũ lụt bất thường, cuốn trôi nhà cửa và nhiều tài sản của người dân. Xuất phát từ thực tế, em đã suy nghĩ phải làm điều gì đó để có thể giảm thiểu đáng kể những tác động của thiên tai đối với con người”.

Theo Thương mô tả, hệ thống cảnh báo lũ gồm ba phần: Trạm đo mưa được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trên khu vực sườn đồi, trung tâm dữ liệu và trạm phát thanh.

Các trạm đo mưa được thiết lập thành một mạng lưới, truyền dữ liệu với nhau bằng công nghệ RF (Radio Frequency - công nghệ được dùng trong viễn thông, là cầu nối trong không gian để chuyển thông tin đến và đi).

Khoảng cách giữa các trạm khoảng 10km, trong mạng lưới máy đo mưa có ít nhất một trạm được đặt trong vùng phủ sóng GPRS, dữ liệu của các trạm sẽ được đưa về trạm này để truyền lên server (trung tâm dữ liệu).

Khi trạm đo mưa vượt ngưỡng hoặc tổng hợp thông tin lượng mưa của các trạm vượt ngưỡng có nguy cơ xảy ra lũ, hệ thống sẽ hiển thị thông báo trên website, đồng thời sẽ có tin nhắn văn bản (SMS) đến người quản lý để thông báo tình hình, hỗ trợ ra quyết định cảnh báo thiên tai và sẵn sàng ứng phó.

Ngay sau đó, hệ thống sẽ phát loa phát thanh để loan tin cảnh báo đến người dân một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt hơn, toàn bộ hệ thống cảnh báo lũ sử dụng năng lượng mặt trời nên có thể tận dụng ánh sáng khi đặt ở khu vực miền núi, trung du, những nơi có địa hình cao, khó có nguồn điện năng.

Việc kết hợp sử dụng công nghệ truyền tin bằng RF giúp các trạm đo mưa có thể được đặt trên khu vực đồi núi cao, những nơi không có sóng 2G/3G/4G.

Hệ thống cũng rất tiện ích vì có thể điều khiển trực tiếp bằng điện thoại thông minh hay website. Nhờ đó, các nhà quản lý thiên tai của Việt Nam có thể giám sát các đợt lũ lụt, cung cấp thông tin để cảnh báo kịp thời đến địa phương và chia sẻ với các cơ quan ứng phó liên quan về kết quả nắm bắt tình hình và đánh giá thiệt hại.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, Nhật Thương bộc bạch: “Chi phí nghiên cứu và làm ra những sản phẩm công nghệ này đòi hỏi tốn khá nhiều tiền.

Vì là sinh viên nên vấn đề tài chính là điều em lo lắng nhất và phải làm rất nhiều lần mới thành công được, mỗi lần thất bại là phải làm lại. Có giai đoạn, em chỉ ngủ 4 tiếng/ngày để dốc toàn sức hoàn thành công việc”.

Sau nhiều nỗ lực về thời gian và công sức, sản phẩm của Thương đã xuất sắc vượt qua nhiều đề tài để giành giải Nhất tại Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Trường ĐHBK ĐN phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng tổ chức.

Bên cạnh hệ thống cảnh báo lũ sớm, Nhật Thương còn nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích như: Kính thông minh cho người khuyết tật, hệ thống thông báo cho người thân khi gặp sự cố té ngã của người già.

Đề cập đến dự định trong thời gian tới, Nhật Thương cho hay: “Em sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm đồng thời tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư nhằm phát triển ứng dụng này ra sử dụng phổ biến, rộng rãi hơn trong đời sống.

Qua đó hạn chế thiệt hại cho bà con vùng lũ. Hiện tại em đang bắt tay vào thực hiện một đề tài mang tính thời sự cấp nhà nước là xác định độ an toàn của nước dựa vào chỉ số đo đạc từ đường bơi của cá”.

Thầy Vũ Vân Thanh, giảng viên Trường ĐH Bách khoa (người đồng hành với nhóm nghiên cứu của Nhật Thương suốt nhiều năm qua) chia sẻ: 

“Đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp Thương sáng tạo được những sản phẩm có ý nghĩa, thiết thực phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, chính sự năng động, sáng tạo này sẽ trở thành một tiền đề tốt cho Thương trong công việc và sự nghiệp sau này”.

Nam Dương - Khampha