Nghiên cứu khoa học, giới trẻ cần hướng đến sản phẩm có tính ứng dụng cao
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã chia sẻ như trên trong buổi làm việc với đại diện Ban thường vụ Thành đoàn TP.HCM sáng ngày 11/4.
Tại buổi làm việc, ông Đoàn Kim Thành - Ủy viên Ban thường vụ Thành đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM bày tỏ mong muốn được Sở hỗ trợ và tham gia sâu vào các hoạt động thúc đẩy tuổi trẻ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của thanh thiếu niên thành phố.
Qua đó, Thành đoàn TP.HCM đề xuất 14 chương trình mà đơn vị này đang triển khai, đề xuất cách thức cũng như kinh phí hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ.
Trước đề xuất này, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, Sở cơ bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ Thành đoàn song, hai bên cần có những định hướng cụ thể để phối hợp thực hiện hiệu quả, thực chất.
Cụ thể, hoạt động thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong thanh thiếu niên tại TP.HCM mà Thành đoàn đang triển khai cần phải thấy được tính hiệu quả, có sản phẩm cuối cùng mang tính ứng dụng cao.
Ví dụ, chương trình Vườn ươm khoa học trẻ của Thành đoàn cần định hướng các đề tài nghiên cứu rõ ràng, sản phẩm cuối cùng có thể thương mại hóa, ứng dụng thực tế.
“Vấn đề tuổi đời của nhà khoa học tham gia Vườn ươm cũng cần phải xem xét. Vườn ươm khoa học trẻ cần phải tập trung vào đối tượng trẻ là sinh viên hoặc người mới ra trường. Đối tượng có độ tuổi bằng hoặc dưới 35 nên tham gia các quỹ khoa học và công nghệ của thành phố. Như vậy mới đảm bảo được tính khách quan khi xét chọn đề tài”- ông Dũng nói.
Về các chương trình hoạt động về tuổi trẻ sáng tạo, ông Dũng mong muốn Thành đoàn tập trung nâng cao chất lượng gian hàng trình diễn các sản phẩm sáng tạo của giới trẻ.
Các cuộc thi, chương trình Vườn ươm phải chọn được những công trình nghiên cứu cho ra sản phẩm cuối cùng và sản phẩm này phải có mục tiêu ứng dụng rõ ràng, giải quyết những vấn đề thiết thực của thành phố nói riêng và xã hội nói chung.
Theo Khampha