Sáng kiến cộng đồng

View Original

Chàng sinh viên Đà Nẵng chế tạo găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính và đam mê khoa học

Sau 4 tháng mò mẫm với các linh kiện điện tử, Lê Ngọc Anh (23 tuổi) sinh viên năm thứ 5, chuyên ngành Kỹ thuật Cơ Điện Tử, Khoa cơ khí, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo thành công găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính. Sản phẩm này đã đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học của Đoàn trường Đại học Bách khoa tổ chức.

Ngọc Anh chia sẻ: “Em có niềm đam mê nghiên cứu khoa học từ lâu, khi vào học tại trường càng nung nấu cho em niềm đam mê ấy. Vào tháng 11/2016, tại trường phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học cũng là lúc em thai nghén ý tưởng chế tạo sản phẩm giúp người khuyết tật”.

Theo Ngọc Anh, em chứng kiến nhiều người bị khiếm thính rất khó giao tiếp với mọi người. Họ dùng ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp vơi nhau, tuy nhiên khi giao tiếp với người bình thường chưa được học ngôn ngữ ký hiệu thì sẽ gặp khó khăn. Chính rào cản đó đã hạn chế người khiếm thính hòa nhập cuộc sống để học tập, làm việc, xây dựng gia đình.

Khi lên mạng tìm hiểu, Ngọc Anh thấy sinh viên nước ngoài có phát minh sản phẩm găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính nhưng không linh hoạt trong sử dụng khi phải xử lý trên máy tính, đồng thời giá thành khá cao.

Chính từ lý do đó, Ngọc Anh quyết định nghiên cứu, chế tạo sản phẩm găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính phiên bản tiếng Việt. Sản phẩm này sẽ sử dụng linh hoạt và giá thành phải rẻ hơn, phù hợp với người khiếm thính Việt Nam.

Là sinh viên, với số tiền gia đình chu cấp để chi tiêu trang trải cuộc sống còn ít, thế nhưng Ngọc Anh đã dè sẻn để phục vụ niềm đam mê khoa học. Rất may mắn, Đoàn trường Đại học Bách khoa sau đó đã tài trợ 100% kinh phí cho Ngọc Anh nghiên cứu, chế tạo.

Để hiểu giao tiếp của người khiếm thính, ngoài thời gian học trên trường, Ngọc Anh tìm đến các câu lạc bộ dạy ngôn ngữ ký hiệu, tiếp xúc với người khiếm thính để quan sát kĩ. Sau khi phân tích các đặc điểm chuyển động tay của người khiếm thính, Ngọc Anh bắt đầu lập kế hoạch và tiến hành thiết kế găng tay.

“Trong các linh kiện để chế tạo găng tay chuyển ngữ, cảm biến uốn cong được em phát triển thành công từ cảm biến quang trở dựa vào hiệu ứng quang điện. Đây là ý tưởng hoàn toàn mới, dễ chế tạo và có giá thành cực kỳ rẻ nhưng vẫn đảm bảo tính năng”, Ngọc Anh chia sẻ.

Về nguyên lý hoạt động, găng tay chuyển ngữ là sự tích hợp các cảm biến uốn cong và cảm biến gia tốc ghi lại tư thế và chuyển động của bàn tay. Sau đó, các dữ liệu này sẽ truyền về vi xử lý Arduino Nano để kiểm tra độ trùng khớp của cử chỉ trong hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam đã xây dựng.

Nếu cử chỉ có ý nghĩa, nó sẽ được chuyển thành lời nói và phát qua loa cho người bình thường hiểu người khiếm thính nói gì.

Theo Ngọc Anh, hiện ngoài dịch được 24 ký hiệu chữ cái thì găng tay chuyển ngữ còn dịch được 10 số đếm, dịch được các 13 từ, câu cơ bản. Có chế độ giao tiếp nhanh, chế độ thư giãn cho người khiếm thính sử dụng.

Vào tháng 3 vừa qua, sản phẩm găng tay chuyển ngữ do Ngọc Anh sáng tạo đã xuất sắc vượt qua hàng chục nghiên cứu khác đạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học của Đoàn trường Đại học Bách khoa tổ chức.

Ngọc Anh bày tỏ: “Trong thời gian tới em sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một chiếc găng tay thứ hai để đủ một bộ cho hai bàn tay người khiếm thính, đồng thời tích hợp đủ 27 chữ cái giúp giao tiếp chuyển ngữ trở nên dễ dàng hơn.

Theo tính toán của em, sản phẩm khi hoàn thiện bán ra thị trường chỉ tốn chi phí khoảng 300.000 đồng một găng tay”.

Theo Đời sống & Pháp lý