Sáng kiến cộng đồng

View Original

Làm giá cực kỳ đơn giản, chỉ... bấm nút và thu hoạch

Với chiếc máy làm giá tự động, người sử dụng chỉ cần bỏ đậu vào thùng, bấm nút và đợi... thu hoạch.

Xuất phát từ sở thích ăn giá đỗ nhưng mỗi lần làm lại rất mất thời gian “canh” giá nảy mầm, điều tiết nước cho hợp lý, anh Quý Hợp (phường Bình Chuẩn, TX. Thuận An, Bình Dương) đã "chế" ra thiết bị làm giá tự động, chỉ việc bấm nút và chờ... thu hoạch.

Ngay sau đó, thông tin về chiếc máy làm giá tự động của anh Hợp nhanh chóng “lan tỏa” đến các bà nội trợ. Nắm bắt cơ hội tình cờ này, anh Hợp đã thương mại hóa chiếc máy của mình với giá 800.000 đồng/máy.

“Ban đầu, mình tạo ra sản phẩm để giải quyết nhu cầu gia đình, để vợ đỡ vất vả. Không ngờ nhiều người biết đến, dùng thử rồi hỏi mua”, anh Hợp hào hứng kể: “Chiếc máy này sẽ cung cấp thành phẩm là giá sạch mà không hề có bất cứ một loại hóa chất hay phụ gia gì”.

Theo anh Hợp, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm máy làm giá đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc…Tuy nhiên, với các máy này, người sử dụng vẫn phải kiểm tra lượng nước trong quá trình giá sinh trưởng. Trong trường hợp để quá thời gian thu hoạch mà người sử dụng... quên, giá có thể bị hỏng do ngâm nước quá lâu.

Với cấu tạo cực kỳ đơn giản, chiếc máy làm giá của anh Hợp đã giải quyết được vấn đề này. Theo đó, chiếc máy có kết cấu gồm một thùng đựng giá được làm bằng chất liệu nhựa dài 30cm, rộng 21cm, cao 50cm. Với 200gram đậu xanh, máy sẽ cho ra 1,5kg giá sau 3 ngày. Máy sử dụng dòng diện 220v AC.

Người sử dụng chỉ cần bỏ đậu (không cần ngâm) vào máy và bấm nút một lần duy nhất. Quy trình làm giá từ thông số về lượng nước, thời gian xả nước, thời gian nảy mầm và phát triển của giá được anh Hợp lập trình sẵn và tối ưu hóa vào bảng điều khiển gắn dưới đáy thùng. 

Bên trong thùng đựng giá, anh Hợp lắp đặt một thiết bị cảm biến nước để xác định lượng nước. Sau thời gian 3 ngày, hệ thống sẽ tự động mở van thoát nước dưới đáy thùng. Khi đó, người sử dụng đã có thành phẩm giá đã làm xong.

Quá trình làm giá chỉ yêu cầu người sử dụng phải có nguồn nước sạch. Nếu là nước máy, phải đảm bảo có liên tục hoặc nước giếng khoan phải có bồn chứa đặt trên cao tối thiểu 3 mét và đảm bảo có lượng nước đủ trong bồn.

Thiết bị cảm biến nước được lắp đặt phía trong hộp đựng giá. Ảnh: Hà Thế An.

“Với quy trình hoàn toàn tự động này, người sử dụng không phải làm bất cứ một việc gì ngoại trừ…bấm nút, tiết kiệm thời gian, công sức. Ngoài ra, nhờ việc tối ưu quá quá trình sinh trưởng của giá nên người sử dụng có thể rút ngắn thời gian làm giá xuống còn 3 ngày so với 4-5 ngày theo cách làm giá truyền thống”, anh Hợp nói.

Chia sẻ về các dự định trong tương lai, anh Hợp cho biết sẽ nghiên cứu để thiết kế bồn nước với dung tích lớn hơn nhằm tăng sản lượng giá thu hoạch nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu làm giá để kinh doanh, buôn bán…

Anh Quý Hợp, sinh năm 1979, tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiện là chủ một cơ sở kinh doanh về cơ khí nông nghiệp, anh Hợp cho biết sắp tới anh sẽ cải tiến thêm nhiều chi tiết để mở rộng thị trường bán máy làm giá tự động tại TP.HCM.

Hà Thế An

See this content in the original post