Sáng kiến cộng đồng

View Original

2 nữ sinh lớp 8 (Hậu Giang) chế thiết bị lọc nước mặn thành ngọt bằng năng lượng mặt trời

Chỉ cần những dụng cụ đơn giản trị giá chưa tới 200.000 đồng, hai nữ sinh Nguyễn Thị Thu Ngân và Nguyễn Thị Yến Linh (lớp 8A3, Trường THCS Thuận Hưng, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) đã làm ra thiết bị lọc nước bằng năng lượng mặt trời giúp ích cho cuộc sống.

Nói về ý tưởng làm ra thiết bị độc đáo này, Thu Ngân cho biết vùng quê em vừa qua bị nước mặn xâm nhập, nhiều gia đình không có đủ nước sinh hoạt nên em luôn suy nghĩ phải làm một thiết bị lọc nước giúp bà con. Cùng suy nghĩ đó, Yến Linh và Thu Ngân đã đăng ký tham gia Hội thi sáng tạo xanh tỉnh Hậu Giang năm 2016. Thầy Phạm Văn Loản, giáo viên dạy môn Toán – Tin học trường THCS Thuận Hưng, cho biết: “Thấy hai em có cùng ý tưởng nên nhà trường quyết định để Ngân, Linh cùng làm nên thiết bị lọc nước và tôi chịu trách nhiệm hỗ trợ các em”.

Theo Yến Linh, khi đã thống nhất cùng làm thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt, các em bắt đầu phác thảo ra bằng hình ảnh, sau đó tìm vật liệu để làm. “Sau nhiều lần nghiên cứu, tranh luận, em và Thu Ngân thống nhất sử dụng năng lượng mặt trời để lọc nước mặn thành nước ngọt, đồng thời cùng nhau hoàn thiện thiết kế trên giấy để bắt tay vào làm”, Yến Linh kể.

Các vật liệu như thùng xốp, chai nước, ống dẫn, tấm kính được các em tận dụng ở gia đình rồi mang đến trường để cùng thực hiện với quyết tâm cho ra đời thiết bị lọc nước. Từ thiết kế trên bản vẽ, Thu Ngân và Yến Linh đã cụ thể vào các vật liệu mình tìm được sau đó lắp vào. “Tuy nhiên, trong quá trình lắp rồi thử nghiệm bắt đầu phát sinh nhiều thứ mà lúc mường tượng và vẽ ra chúng em chưa lường hết trước được. Ví dụ như chỉ sử dụng 1 tấm kính nước bốc hơi nhanh không ngưng tụ do nóng quá, rồi khi nước đã ngưng tụ thì không tập trung để thoát ra ngoài…”, Thu Ngân cho biết.

“Tuy khá vất vả nhưng hai em vẫn kiên trì lắp rồi thử nghiệm. Với vai trò người hướng dẫn, tôi không thể trực tiếp giúp mà chỉ gợi ý để các em vận dụng đúng kiến thức đã học vào thực tế. Nhờ các em học giỏi vật lý nên khi gợi ý các em đã biết được phải vận dụng kiến thức gì. Và đúng như thế, các em đã sử dụng kiến thức về sự bay hơi và ngưng tụ của nước để hoàn thiện hệ thống lọc”, thầy Loản nói.

Với sự kiên trì, nhẫn nại và sự thông minh, nhanh nhạy trong xử lý tình huống, cuối cùng hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt của Thu Ngân và Yến Linh đã thử nghiệm thành công sau 2 tháng nghiên cứu.

Cấu tạo của thiết bị khi hoàn thiện khá đơn giản: chỉ là một thùng xốp, bên trong được phủ nhựa đen giúp hấp thụ ánh sáng mặt trời từ thấu kính, lăng kính và một tấm kính thủy có công dụng để tăng sự phản chiếu của ánh nắng mặt trời.

Cùng với đó là hai bình dùng để chứa nước uống và nước nóng, một số ống, van thu nước. Mô hình khá đơn giản, dễ tìm vật liệu, nếu được sử dụng rộng rãi thì người dân không còn lo sợ thiếu nước sử dụng do nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Thiết bị này có thể để ở bất cứ nơi nào có ánh sáng, có thể để được cả ở trên mái nhà, thời gian để biến nước mặn, nước nhiễm phèn thành nước ngọt tương đối ngắn.

“Chỉ một thùng xốp nhỏ nhưng có thể lọc cho ra khoảng 6 lít nước ngọt/ngày. Trong bối cảnh hạn mặn xâm nhập như thời gian qua, trong khi nhiều gia đình nghèo ở nông thôn không thể trang bị hệ thống lọc nước đắt tiền, thì chi phí của hệ thống do Yến Linh và Thu Ngân chế ra chưa tới 200.000 đồng, rất phù hợp với các hộ nghèo ở vùng sâu. Ý tưởng của hai em còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”, thầy Loản nói.

Hệ thống lọc của Thu Ngân và Yến Linh với khả năng ứng dụng vào thực tiễn ở từng hộ gia đình đã được ban tổ chức Hội thi sáng tạo xanh tỉnh Hậu Giang năm 2016 đánh giá rất cao và chấm giải nhất.

Với thành tích 8 năm là học sinh giỏi cùng sự động viên, hướng dẫn của người thầy và việc đoạt giải nhất hội thi… hy vọng rằng tinh thần đam mê khám phá khoa học của hai nữ sinh Thu Ngân và Yến Linh ngày càng được duy trì và nâng cao. Và hai em sẽ có thêm nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng.

Theo Thanh Niên