Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo
Hơn 6 tháng qua, hàng trăm chị em phụ nữ ở xã Long Mỹ (H.Mang Thít, Vĩnh Long) khi đến họp thường kỳ đều mang theo bọc phế liệu để gom lại bán lấy tiền giúp bệnh nhân nghèo.
Người khởi xướng mô hình này là chị Ngô Nguyễn Hiền Nhi, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mỹ. Chị Nhi cho biết hằng tháng, ở nhà chị cũng như nhiều nhà trong xóm bỏ đi rất nhiều phế liệu.
Có nhà vứt bừa bãi khắp nơi, thậm chí còn quăng cả dưới sông vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí. Thấy vậy, chị Nhi nghĩ ra kế hoạch thu gom phế liệu bán lấy tiền giúp đỡ bệnh nhân nghèo và trình lên Đảng ủy xã Long Mỹ. Ngay lập tức, kế hoạch của chị nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và đưa vào triển khai thực hiện.
Hằng tháng, các chị em sẽ thu gom rác có thể tái chế được như chai nhựa, giấy, bao bì… để đóng góp cho chi hội, tổ phụ nữ vào các buổi sinh hoạt thường kỳ. Số phế liệu này sẽ được bán để lấy tiền gây quỹ, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Dù ít hay nhiều, ai cũng cảm thấy phấn khởi vì mình đã làm được một việc có ích, góp phần “biến rác thành tiền” giúp đỡ người nghèo trong lúc ốm đau, bệnh tật”, chị Nhi nói. Chị Nguyễn Thị Thắm (ngụ ấp Long Khánh, xã Long Mỹ) chia sẻ: “Nhiều khi muốn đóng góp cho chị em bị bệnh nhưng ngặt nỗi không có tiền dư.
Nhờ mô hình này mà tôi có được một khoản tiền để dành, tới lúc cần là có liền để giúp đỡ mọi người. Thêm vào đó còn góp phần bảo vệ môi trường, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ”.
Từ vài chục hộ ban đầu, đến nay, mô hình đã thu hút được 545 chị em tham gia, chiếm hơn 50% số hội viên hội phụ nữ của xã. Thời gian qua, mô hình đã thu gom được khoảng 300 kg phế liệu, bán được gần 3 triệu đồng.
Với số tiền này, hội đã đến trao 2 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Hoài (75 tuổi, ở ấp Long Hòa 2), một người cao tuổi thường xuyên bị bệnh và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long, “Biến rác thành tiền” là mô hình hết sức thiết thực, gần gũi và dễ thực hiện trong cuộc sống. Từ những việc làm đơn giản như thu gom phế liệu nhưng đã tạo được sức lan tỏa trong hội viên phụ nữ và được đông đảo người dân ủng hộ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh, xem đây là việc làm giúp chị em phụ nữ gắn kết trách nhiệm, có sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và công tác”, bà Trang cho biết.
Theo Thanhnien