8 công viên đẹp bạn không ngờ là được xây lên từ bãi chôn rác
Nhân loại đang biến Trái Đất thành một thùng rác khổng lồ. Cơ quan bảo vệ môi trường ước tính rằng một người Mỹ xả ra trung bình 2kg rác mỗi ngày, và nếu nhân lên với 318,9 triệu người, đó là một lượng rác khổng lồ.
Tuy nhiên, các nhà quản lý và cải thiện vấn đề chất thải đã có thể biến rác trở thành một nguồn tài nguyên. Họ có thể biến khí mê-tan trong những bãi chôn lấp thành nguồn năng lượng sạch. Ngày nay, các bãi rác phải ‘nghỉ hưu’ đã được phục hồi một cách an toàn và trở thành khu công cộng mà mọi người không hề biết về lịch sử của chúng.
Dưới đây là 8 khu công cộng đã từng là một bãi chôn lấp rác mà bạn không ngờ tới:
1) Núi Trashmore, thành phố Virginia Beach
Nói về việc biến rác thành kho báu, núi Trashmore là một ví dụ điển hình. Ngọn núi đã đi từ một bãi chôn lấp rác bẩn thỉu, bị tàn phá trở thành công viên nổi tiếng nhất của bang Virginia.
Với việc nén chặt rác thải dưới đất và được phủ đất sạch xung quanh với diện tích gần 670 nghìn m2, giờ đây, bãi chôn lấp đã trở thành một sân chơi cho trẻ em và một sân trượt ván nổi tiếng thế giới, với lượng khách lên tới hơn 1 triệu người mỗi năm.
2) Công viên Hiriya, Tel-Aviv, Israel
Hiriya là một bãi chôn lấp nổi tiếng tới mức mọi người gọi nó là 'ngọn núi hôi hám', năm 1988 lượng chất thải ở đây đã đạt tới 25 triệu tấn và đã bị đóng cửa để ngăn chặn chất thải đổ vào sông Ayalon.
Tuy nhiên, việc kiến trúc sư về cảnh quan đô thị, Peter Latz phát minh ra một lớp nhựa sinh học giúp ngăn chặn sự xâm nhập của khí mê-tan mà từ đó, bãi rác Hiriya đã trở thành một công viên trong lành.
3) Khu giải trí Sai Tso Wan, Hồng Kông
Sân chơi đa năng Sai Tso Wan là loại hình sân chơi đầu tiên được xây dựng từ bãi chôn lấp ở Hồng Kông. Đây cũng là một trong những không gian xanh nhất trong khu vực, lưu trữ các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, hệ thống tưới từ nước mưa... Đây cũng là cơ sở đào tạo chính thức của Hiệp hội bóng chày Hồng Kông.
4) Pulau Semaku, Singapore
Mặc dù, Pulau Semaku vẫn là bãi chôn lấp, và là bãi chôn lấp duy nhất của Singapore. Mở cửa từ năm 2005, Nơi đây vẫn vừa phục vụ cho các hoạt động giải trí và vừa duy trì được thảm thực vật trong khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của Pulau Semaku là các rặng san hô và rừng ngập mặn xung quanh vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
5) Công viên Cesar Chavez, Berkeley
Từ một ngọn núi đầy rác vào những năm 1950, công viên Cesar Chavez đã trở thành tâm điểm văn hoá của San Francisco.
Với tầm nhìn ra Cầu Cổng Vàng, Alcatraz và Đảo Angel ở xa, kết hợp với dải cỏ trải dài của mình, Cesar Chavez vừa là một khu bảo tồn hoang dã, vừa là nơi tổ chức vui chơi. Ngoài ra, hiện nay vào tháng 7 hàng năm, lễ hội thả diều Berkeley đều được tổ chức tại Cesar Chavez.
6) Công viên Port Sunlight River, Vương Quốc Anh
Sau 15 năm làm bãi chôn lấp, Port Sunlight River đã được công ty kiến trúc cảnh quan Gillespies thiết kế lại với việc trồng hơn 12.000 cây xanh xung quanh.
Công viên Port Sunlight River đã khôi phục sự sống bên bờ Wirral ở Anh. Với tầm nhìn ra đường chân trời thành phố Liverpool và lối đi công cộng đến sông Mersey, khu bảo tồn đã trở thành nơi có cuộc sống hoang dã phong phú, ở đây vừa có đồng cỏ hoang dã, khu rừng rậm lẫn đầm lầy ẩm ướt.
7) Flushing Meadows, Long Island
Công viên Flushing Meadows - Corona, công viên lớn thứ 2 tại New York đã từng là một bãi chôn lấp. Hơn nữa, ban đầu nó là một đầm lầy tự nhiên đổ vào hồ Meadow, hồ nước ngọt lớn nhất ở thành phố New York.
Tuy nhiên, hiện nay đây là một trong những công viên nổi tiếng nhất thế giới vì nơi đây đã tổ chức hội chợ thế giới thế kỷ 20 (20th century World Fairs) cũng như tổ chức giải quần vợt Hoa Kỳ mở rộng mỗi năm.
8) Fresh Kills, Staten Island
Công viên Fresh Kills đang trong quá trình chuyển đổi từ nơi chôn rác lớn nhất thế giới thành công viên hơn 8 triệu m2 tuyệt đẹp. Dự án được bắt đầu vào năm 2008 và vẫn đang được xây dựng, với dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035.
Dự án Fresh Kills sẽ trở thành nơi giải trí, giáo dục và thể thao cho thành phố. Ngoài ra, một khu vực đặt tấm năng lượng mặt trời rộng 186 nghìn m2 tại đây có khả năng cung cấp năng lượng cho 2000 ngôi nhà tại Staten Island.
Bảo Trung (nguồn Inhabitat)