'Chiếc xe Thạch Sanh' của cụ ông tuổi 80
Nếu trong kho tàng cổ tích nước ta từng có chuyện kể về nồi cơm Thạch Sanh ăn hết lại đầy, thì ở Đà Nẵng cũng có một chiếc xe máy của một cụ ông ngày ngày chạy trên những con phố.
Sau xe cụ kéo theo cái thùng với bao nhiêu đồ dùng mà cứ chưa kịp hết đã lại đầy như nồi cơm trong chuyện cổ. Trên thùng xe có dòng chữ “Cũ cho sạch cho - người cần dùng lấy dùng”. Chủ nhân chiếc xe Thạch Sanh ấy là cụ ông Nguyễn Công Long (78 tuổi - trú phường Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)
Chiếc xe chở yêu thương...
Một buổi chiều cuối tuần, Vincent - một người Mỹ sinh sống tại Đà Nẵng kéo tôi đến chỗ chân cầu Rồng và chỉ cho tôi một cụ ông mà theo anh là “Đó là chuyện khiến Đà Nẵng trở nên tuyệt vời và đáng mến”.
Trước đó Vincent dặn tôi thu ghém một số quần áo không dùng, giặt sạch, cho vào túi gọn gàng để gửi cụ mang đến cho người cần.
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè oi ả, cụ ông có gương mặt phúc hậu dừng chiếc xe máy kéo có dòng chữ “Cũ cho, sạch cho - người cần dùng lấy dùng” ở đầu đường Nguyễn Văn Linh đoạn chân cầu Rồng.
Ông đưa tay gạt đám mồ hôi đổ dài trên trán, tháo cặp kính mắt, lau vội lớp bụi đường sau hành trình chạy dọc hàng chục cây số khắp các con đường, hẻm phố. Đây là vị trí cố định ông vẫn thường đỗ xe để chờ những nhà hảo tâm mang quần áo cũ đến quyên góp.
Thấy chúng tôi đến, ông nở nụ cười tươi trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn, đưa tay đón lấy túi đồ rồi hỏi han cảm ơn và rút trong túi ra một cuốn sổ nhỏ để theo ông là “ghi danh những mạnh thường quân đến ủng hộ”.
Trò chuyện với ông chưa đầy một giờ đồng hồ, có hàng trăm người qua đường dừng lại nhìn chiếc xe rồi nhìn ông với đôi mắt ánh lên niềm tin yêu. Họ tháo chiếc khẩu trang giữa trời nắng, rút máy lưu lại số điện thoại được in trên thùng xe, nhiều người vẫy tay chào ông như đã quen từ trước.
Khoảng 3 giờ chiều, một số người mang túi quần áo cũ xếp gọn gàng đưa cho ông, họ từ chối lời cảm ơn và dặn ông giữ gìn sức khỏe.
Anh Hồ Quốc Kiến, nhân viên bảo vệ ở một quán trà sữa gần đó ghé lại chỗ ông Long, tay cầm mấy hộp sữa đặt vào tay ông sau khi nghe tin ông vừa phẫu thuật mắt mới ra viện đã lại đi quyên góp đồ nhưng ông Long một mực từ chối. “Chừng nào mắt tôi còn thấy được, tôi hãy còn đi. Anh quan tâm là quý lắm nhưng quà cáp thì tôi xin không nhận” - ông Long vui vẻ nói.
Anh Kiến cho biết: “Vừa rồi hơn cả tuần không thấy bác Long, ai nấy đều lo lắng, gọi điện hỏi mới biết bác chở đồ cũ vào Điện Bàn, Quảng Nam bằng xe máy thì bị tai nạn rạn xương sườn, xe cũng gãy bánh. Thế mà không lâu sau bác lại kéo xe đi”.
Thỉnh thoảng có người đi đường, chị lao công ghé lại biếu ông chai nước. Ông nhanh nhẹn rút những túi quần áo đã chuẩn bị sẵn đưa cho những người cần. Tiếng cười, tiếng nói hòa vào góc phố đông đúc xe cộ khiến Đà Nẵng trở nên ấm áp đến lạ kỳ.
Đợi chừng hai tiếng, ông chào chúng tôi và lên xe di chuyển đến những vị trí khác. Trời bắt đầu dịu nắng, những vòng xe ông vẫn lăn đều trên từng con phố. Vincent chở tôi theo ông đi hết buổi chiều, nói rằng nhiều bạn bè anh từ Mỹ đến Đà Nẵng đã từng thấy ông Long đều ấn tượng.
Họ thường chẳng có quần áo cũ , thế nhưng khi gửi tiền mặt nhờ ông trao cho người nghèo chẳng bao giờ ông nhận. Chính những điều bình dị như thế khiến họ yêu thêm Việt Nam.
Lá rách ít đùm lá rách nhiều…
Từ bệnh viện Lao phổi Đà Nẵng rẽ vào, trong một xóm nhỏ với loạt nhà không số cũ mới đang sửa chữa ngổn ngang, hỏi cụ ông kéo xe “Cũ cho sạch cho” ai ai cũng biết. Người ta chỉ chúng tôi vào cuối con hẻm nhỏ.
Sau một ngày rong ruổi trên các con đường để gom đồ cũ, ông Long cẩn thận phân loại đồ. Quần áo cũ luôn được ông cùng vợ và các con giặt sạch sẽ trước khi cho vào bao. Đôi tay rám nắng nâng niu từng tấm áo cũ cất gọn gàng.
Chiếc thùng xe bị hỏng nặng sau vụ tai nạn trong một lần chở đồ cho người nghèo ở Quảng Nam được ông tận dụng làm tủ bỏ đồ tạm thời cho chuyến đi mới. “Mình tặng quần áo cũ, nhưng phải luôn sạch và đảm bảo dùng tốt, để người nhận cảm giác được tôn trọng và yêu thương” – ông Long cho biết.
Lật mở cuốn sổ có ghi những thông tin đã tiền trạm từ trước, ông bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi mang quần áo cũ đến cho người già và trẻ em ở khu tái định cư cho người dân làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Ông nói rằng, bệnh phong đã hết từ lâu nhưng nhiều lần đến thăm người dân ở đây, ông cảm nhận được những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của họ. Ông bảo người dân còn ở lại khu nhà liền kề mà thành phố cấp đa số là người già và trẻ con.
Những người già với tay chân không lành lặn do di chứng phong cùi để lại suốt ngày quanh quẩn trong nhà không dám đi đâu, cũng chẳng biết làm gì.
Những lần trước ông đến với họ, có khi mang ít quần áo cũ, khi chở đến vài chục thùng mì tôm do một nhà hảo tâm ủng hộ. Giờ đây mỗi khi chiếc xe “Cũ cho, sạch cho” dừng trước khu tái định cư, bọn trẻ con lại ríu rít ra đón.
Những người già lại rạng rỡ như gặp lại người bạn tri âm. Từng câu chuyện ông Long kể với người dân nơi đây, bao giờ cũng đầy ắp điều hay ho, mới mẻ như chính những chiếc áo cũ thơm mùi ân tình mà ông mang tặng.
Chị Nguyễn Phạm Thái (trưởng khu nhà tái định cư) cho biết: “Bác Long thường lui tới thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những gia đình khó khăn trong làng. Những món quà không nặng vật chất nhưng mang ý nghĩa tinh thần lớn lắm.
Với những người còn mang di chứng bệnh phong, việc gặp bác Long đã là món quà đặc biệt cho họ. Mong sao bác mãi khỏe để kéo chiếc xe ân tình đi kết nối yêu thương, thấy chiếc xe của bác, những người trẻ như chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.
Theo Tuổi trẻ