Sáng kiến cộng đồng

View Original

Ở Hà Nội có ông Tây mỗi ngày xóa một quảng cáo bẩn

Hơn một tháng qua, người dân ở khu phố Nguyễn Ngọc Vũ (Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thấy một ông Tây bất kể ngày mưa hay nắng đều đi bóc quảng cáo dán bậy trên đường phố. Đó là cựu binh Mỹ Paul George Harding (69 tuổi).

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông PAUL GEORGE HARDING nói “cuộc chiến” xóa bỏ quảng cáo cần sự bền bỉ và kiên trì, hơn hết ông luôn có “đồng đội” đồng hành là hơn 440 học viên tiếng Anh của ông với thông điệp:

Mỗi ngày người dân Hà Nội chỉ cần xóa bỏ một tờ quảng cáo vi phạm, điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi rất lớn.

“Cuộc chiến” bền bỉ

* Vì sao ông làm việc này?

- Ở nước tôi hay nhiều nước khác và ngay ở VN, nếu muốn quảng cáo phải trả tiền cho báo chí, truyền hình, Internet...

Những người dán quảng cáo rao vặt không muốn trả tiền, thậm chí họ tự tiện “đánh cắp” các bức tường, khiến chúng trở nên xấu xí mà không làm gì để đóng góp cho vẻ đẹp của khu phố. Nếu muốn quảng cáo, hãy trả phí theo cách thông thường.

Hãy nghĩ đến người chủ của những ngôi nhà bị dán quảng cáo. Họ dành hàng giờ để gỡ bỏ chúng, nhưng sáng hôm sau khi họ mở cửa, những tờ quảng cáo lại được dán chằng chịt ở đó.

Khi chúng tôi cố gắng xóa bỏ các quảng cáo, hôm sau họ quay lại và dán lên, thậm chí nhiều tờ quảng cáo hơn với các loại keo rất khó bóc tách. Nhưng với tôi và các bạn học viên, đây giống như một “cuộc chiến” cần sự bền bỉ.

* “Cuộc chiến” này được tiến hành ra sao, thưa ông?

- Tôi vừa đầu tư 10 triệu đồng vào “cuộc chiến” này để mua năm thùng sơn và các dụng cụ hỗ trợ. Không chỉ bóc, xóa bỏ quảng cáo bẩn đó, chúng tôi còn sơn lại và trả lại nguyên trạng bức tường trước khi bị dán quảng cáo.

Các bạn học viên đến tham gia, có bạn đang đi học, có bạn đi làm, rất nhiều trẻ em đến vào thời gian nghỉ. Tôi ấn tượng với một bạn trẻ phải đi bóc quảng cáo đến tận 3h30 sáng trong cơn mưa tầm tã dù sáng hôm đó phải đi làm việc.

Chúng tôi xem công việc này là một “cuộc chiến” thay đổi nhận thức của người ở Hà Nội, phải phản đối hành động dán quảng cáo sai quy định. Nếu như mỗi ngày người dân Hà Nội chỉ cần xóa bỏ một tờ quảng cáo vi phạm, điều đó sẽ tạo sự thay đổi rất lớn.

* Trong quá trình thực hiện, ông và các bạn có gặp nhiều khó khăn?

- Có thể kể đến là nhức xương khớp, nhất là khớp bả vai, cổ tay vì bạn phải cạo thật mạnh mới làm sạch sẽ các bức tường hay trèo lên thang để dọn các khu vực tường cao hơn. Việc này đòi hỏi sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể bị đứt tay, chấn thương.

Bên cạnh khó khăn thì công việc này cũng gây khó chịu khi bạn đã dọn sạch bức tường vào hôm nay, nhưng hôm sau thức dậy bạn lại thấy bức tường đầy những tờ quảng cáo rao vặt.

Không bỏ cuộc

* Nhiều người cho rằng việc làm của ông như “muối bỏ bể” vì việc dán quảng cáo rao vặt đã tồn tại từ rất lâu. Đi bất kỳ con phố nào ở Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp những tờ quảng cáo này. Nhưng ông vẫn tiếp tục làm...

- Ban đầu chỉ có 5-6 người tham gia, nhưng nay có hơn 440 người sẵn sàng dọn sạch các bức tường đầy quảng cáo.

Chưa kể chúng tôi còn tạo được cảm hứng và nhận được sự đồng tình của người dân trong khu phố, họ cũng bắt tay vào làm.

Chúng tôi đang đi đúng hướng, kiên trì trong “cuộc chiến” luôn hướng đến “chiến thắng”, để mọi người hình dung ra Hà Nội có thể trở nên đẹp như thế nào khi không có những tờ quảng cáo xấu xí và các bức tường được làm sạch sẽ, sơn vẽ nghệ thuật.

Chúng tôi hi vọng ngày càng có nhiều người dân ủng hộ, dần dần ngay cả chính quyền cũng sẽ ủng hộ việc làm này.

* Ông hài lòng với việc làm đó chứ?

- Tuyệt vời. Mọi người đều ghi nhận việc làm này và thay đổi cho khu phố đẹp hơn. Nhưng đồng thời cũng cảm thấy đầy thử thách khi những tờ quảng cáo cứ tiếp tục được dán trở lại sau khi chúng tôi đã gỡ bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi đã biết điều đó ngay từ đầu nên tiếp tục kiên trì, không bỏ cuộc.

Bạn muốn học tiếng Anh không?

* Ngoài việc bóc, xóa bỏ quảng cáo, được biết lần đầu tiên đến VN gặp ai ông cũng hỏi “Bạn muốn học tiếng Anh không?” và suốt ba năm qua ông liên tục mở các lớp tiếng Anh cho người Việt?

- Tôi từng nghĩ đến việc này vì ìm hiểu trên mạng, tôi biết học phí lớp tiếng Anh tại VN rất đắt đỏ. Tôi không có kỹ năng dạy học nhưng ông bà, bố mẹ tôi đều là giáo viên, tôi nghĩ mình có thể giúp mọi người.

Tôi đã không thất vọng. Nhu cầu ở nước bạn rất lớn, số lượng học viên và lớp học tăng nhanh, từ 5-6 học viên nay lên đến hơn 440 học viên gồm 2 lớp trẻ em và 6 lớp giao tiếp cho người lớn. Thậm chí tôi rất vất vả để duy trì số lượng học viên lớn như vậy, nhưng may mắn tôi có các bạn tình nguyện viên đồng hành.

Ban đầu mọi lớp học đều miễn phí. Sáu tháng đầu, UBND P.Trung Hòa cho mượn tạm thời tầng 2 nhà văn hóa ở phố Nguyễn Ngọc Vũ làm trụ sở dạy học.

Song để duy trì việc dạy học lâu dài và đáp ứng nhu cầu lớn của học viên, buộc chúng tôi phải xin cấp phép hoạt động. Nhưng tôi không có giấy phép nên phải liên kết với một trung tâm ngoại ngữ khác ở Hà Nội để có địa điểm dạy.

Hiện chúng tôi chỉ thu 150.000 đồng/tháng tiền học phí, với 2 buổi học/lớp/tuần để trả tiền thuê địa điểm và các khoản phí khác. Nhưng các bạn VN nói rằng họ không quan tâm đến việc đó, họ sẵn sàng trả tiền để được học.

* Không có kỹ năng sư phạm nhưng ông vẫn duy trì được lớp học suốt ba năm, thậm chí còn dạy tốt. Ông có thể chia sẻ về phương pháp dạy?

- Tôi vô cùng thích thú với sự cần cù, kiên trì học tập của các bạn VN. Tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy các bạn nói tốt ngoại ngữ.

Phương pháp là dạy tiếng Anh gắn liền với văn hóa Mỹ để giúp đỡ họ trong cách phát âm. Chỉ cần một năm học theo phương pháp này, các bạn đã phát âm rất chuẩn xác. Tôi cũng có kinh nghiệm, kỹ năng trong ngành điện ảnh nên lồng ghép, sáng tạo vào việc dạy rất hiệu quả.

* Ông sẽ tiếp tục những công việc này ở VN chứ?

- Tất nhiên. Bốn tháng nữa tôi sẽ bước sang tuổi 70, đến giờ tôi vẫn không tin mình đã già thế này, nhưng tôi vẫn thấy mình như mới 30 tuổi (cười).

Có bạn đã hỏi tôi làm thế nào để có thể khỏe được như hiện nay, tôi bảo mình được sinh ra như vậy, tràn đầy năng lượng và hi vọng.

Tôi mong có thể duy trì lớp học tiếng Anh trong vòng 15 năm tới và tiếp tục “cuộc chiến” vì Hà Nội đẹp hơn. Sau đó tôi sẽ thực sự nghỉ ngơi và dành thời gian cho riêng mình.

Bà Trần Thị Lê (72 tuổi, người dân khu phố Nguyễn Ngọc Vũ):

- Ông Paul không phải người nước mình, mà làm được những việc tốt như vậy cũng là gương để cho người dân chúng tôi soi vào. Khu phố của mình, môi trường của mình mà không biết làm cho sạch sẽ, phải để cho người ta đến làm. Đây là bài học cho người dân giữ gìn sạch sẽ, làm đẹp quang đãng làng xóm.

Chị Phạm Xuân Mai (45 tuổi, người dân khu phố Nguyễn Ngọc Vũ):

- Tôi nghĩ việc người ta dán quảng cáo là có chủ ý, họ không nghĩ đến môi trường mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước hết. Việc làm của ông Paul tốt cho khu phố này, người nước ngoài họ sang đây làm được việc như thế là rất tốt. Nhờ vậy mà con trai tôi mấy tháng nay đều lên phố nhặt rác để bảo vệ môi trường.

Tình nguyện viên Hoàng Mạnh Đức (24 tuổi, học viên cao học Trường ĐH GTVT Hà Nội):

Thay đổi cách nhìn

Ba tuần trước, tình cờ đi học về thấy ông Paul đang sơn bức tường gần chỗ tôi ở nên tôi giúp ông cả buổi. Thú thật lần đầu tiên chứng kiến tôi thấy hơi xấu hổ vì đây là đất nước của chúng ta, ông Paul là khách mà đang dọn dẹp vệ sinh cho nhà mình.

Nhớ hôm đầu kết thúc buổi làm, ông nói: “Thank you” (Cảm ơn) nhưng tôi đáp lại: “No! I have to thank you. You help my country” (Không, tôi phải cảm ơn ông. Ông đã giúp nước của tôi). Tôi bóc, xóa quảng cáo không phải vì giúp ông, mà giúp đất nước mình.

Khi làm việc này, ông Paul, chúng tôi và các bạn nhỏ thường nói chuyện với mọi người xung quanh, cố gắng thay đổi cách nhìn của họ. Chúng tôi nói nếu họ dán thì chúng tôi xé, họ mất tiền, chúng tôi chỉ mất công sức và chút nước. Quan trọng là kiên trì.

Hành động thay lời xin lỗi

Năm 1969, tôi đặt chân đến VN. Tôi đã chiến đấu ở VN bốn năm. Sau khi về nước, tôi tham gia phong trào phản chiến. Tháng 12-2014, tôi quay lại VN và lựa chọn Hà Nội.

Điều quan trọng khiến tôi quyết định quay lại VN là sau khi đọc được cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Đặng Thùy Trâm miêu tả chiến tranh đã thiêu hủy những bệnh viện dã chiến trong rừng, buộc các y, bác sĩ phải di chuyển bệnh nhân xuyên rừng khi những người lính không đủ thuốc men. Tôi đọc thấy giống như việc phải chứng kiến lại hành động của chính đơn vị mình.

Vì thế sau khi đọc xong, tôi đã tự nhủ với bản thân sẽ quay lại VN. Tôi sẽ làm điều gì đó để xin lỗi VN thay cho đất nước của tôi.

Hà Thanh - Hoài Năm (Báo Tuổi trẻ)

Bài gốc.