Sáng kiến cộng đồng

View Original

Học sinh trường làng Vĩnh Long chế tạo robot cấy lúa

Với mục đích giúp bà con nông dân tiết kiệm thời gian và công sức trong việc cấy lúa, học sinh Nguyễn Đại Nghĩa, đã sáng tạo thành công robot cấy lúa, thu hút sự chú ý của nhiều nông dân địa phương.

Để chế tạo được con robot này, Nguyễn Đại Nghĩa ( học sinh lớp 10A1, Trường THPT Tân Lược (xã Tân Lược, H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã tự mày mò nghiên cứu nhiều tài liệu kỹ thuật trên mạng, đọc sách báo rồi mới bắt tay vào thực hiện.

Làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng Nghĩa cũng sáng tạo thành công robot cấy lúa với giá thành khoảng 300.000 đồng và đoạt giải khuyến khích (không có giải nhất, nhì, ba) trong Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật H.Bình Tân năm 2017.

Nghĩa cho biết ngay từ nhỏ, em đã thấy bà con nông dân rất vất vả để làm ra hạt lúa, nhất là khâu cấy lúa phải tốn nhiều thời gian và công sức.

Từ đó, em nảy ra ý tưởng chế tạo một loại robot cấy lúa nhỏ gọn, giá rẻ, có thể thay thế sức người để hỗ trợ bà con.

Robot cấy lúa hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản là điều khiển các khớp nối bằng mạch điện để robot có thể tự lấy lúa trên khay và cấy xuống ruộng theo chương trình được cài đặt sẵn. Robot được tạo thành từ những vật liệu quen thuộc trong cuộc sống như:

Tấm nhôm dán (alu), thiếc, 2 căm xe, 1 m dây thun, 1 nắp chai, 2 ống viết, giấy kiếng, dây điện, 4 motor, công tắc, keo dán và ốc vít.

Nghĩa cho biết robot này có ưu điểm là có thể điều chỉnh tốc độ cấy lẫn cự ly của các gốc lúa theo ý muốn của người sử dụng.

Nguồn điện duy trì hoạt động cho robot được nạp từ pin sạc có thể tái sử dụng nhiều lần. Sau 30 phút sạc pin, robot có thể cấy liên tục 2 - 3 giờ, năng suất đạt xấp xỉ từ 1.000 - 2.000 m2tùy vào độ cứng của đất, tốc độ và cự ly các gốc lúa....

Theo thầy Trần Hòa Nhã, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Lược, vừa qua, trường có 4 sản phẩm đoạt giải Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuât của huyện và đều được chọn tham gia thi vòng tỉnh; trong đó, robot cấy lúa của Nghĩa được nhiều người chú ý vì gần gũi với thực tế sản xuất của địa phương.

Nghĩa cho biết trước khi tham gia cuộc thi cấp tỉnh, em sẽ bổ sung thêm một số tính năng cho robot cấy lúa, như: robot tự đảo chiều khi hết đất cấy; tự nhận biết sơ đồ diện tích hoạt động và đặc biệt là hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Thanh Đức - Báo Thanh niên

Bài gốc.