Học lớp 9 (Nghệ An) dùng phế liệu chế tạo máy chưng cất nước ngọt cho ngư dân vùng biển bằng năng lượng mặt trời
Tận dụng những phế liệu và dụng cụ đơn giản, hai học sinh 15 tuổi, học lớp 9 Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã chế tạo máy chưng cất nước ngọt cho ngư dân vùng biển bằng năng lượng mặt trời.
Giờ thực hành môn vật lý của Trường THCS Diễn Hải như sôi nổi hơn bởi ngoài kiến thức lý thuyết được học, các bạn còn được trải nghiệm chính những sản phẩm của học sinh trường mình làm ra.
Bên máy chưng cất nước ngọt từ nước mặn, Ngô Thành Đạt và Nguyễn Tiến Dũng cùng say sưa thuyết minh nguyên lý hoạt động, cách thức vận hành cho các bạn cùng lớp.
Đạt kể những chuyến đi biển dài ngày của gia đình hay người dân trong xóm phải chuẩn bị một lượng lớn nước ngọt cho các ngư dân sinh hoạt trên tàu.
Từ thực tế đó, hai bạn nghĩ nếu một loại máy có thể chưng cất nước mặn thành nước ngọt thì hay biết mấy.
Sau khi nêu ý tưởng và phác họa sơ đồ hoạt động của thiết bị, hai nam sinh được thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên bộ môn vật lý, hỗ trợ hết mình.
Gần ba tháng trời mày mò, thử nghiệm hàng chục lần, chiếc máy chưng cất mới hoàn thiện. Uống ly nước ngọt đầu tiên được chưng cất từ nước biển mặn chát, ba thầy trò không giấu nổi niềm vui sướng.
Hóm hỉnh giới thiệu về chiếc máy “nhỏ nhưng có võ”, Đạt cho hay theo nguyên lý vật lý khi đổ nước biển vào bình bảo ôn, nước sẽ chảy xuống các ống đồng đặt dưới các tấm kính, bức xạ mặt trời chiếu vào ống đồng làm nước nóng lên tạo thành một vòng đối lưu của chất lỏng trong ống.
“Nước nóng đi lên, còn nước lạnh đi xuống. Quá trình như vậy xảy ra liên tục làm nhiệt độ của nước trong bình bảo ôn liên tục tăng lên.
Qua hệ thống guồng quay làm diện tích bề mặt của nước trong buồng nóng tăng lên, nước không chỉ bay hơi trên mặt thoáng mà bay hơi ở phần nước bám vào màng lưới của guồng quay” - Đạt lý giải.
Tiếp đó, nhờ máy hút hơi nước nóng từ buồng nóng cho đi sang buồng lạnh thông qua ống đồng, khi hơi nước nóng sang buồng lạnh gặp lạnh, ngưng tụ tạo ra nước ngọt.
Dũng chia sẻ thêm do hệ thống hoạt động liên hoàn, theo một chu trình khép kín nên có thể hoạt động được nhiều thời gian trong ngày. Người dân hoàn toàn chủ động nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Với mô hình hiện tại nặng chừng 20kg, cứ 10 lít nước biển sau khi chưng cất sẽ cho khoảng 6 lít nước ngọt.
Thầy Võ Hồng Sơn - hiệu trưởng Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu - cho biết từ phong trào sáng tạo, trong ba năm qua có 30 ý tưởng được hình thành, là trường duy nhất của tỉnh có ba sản phẩm dự thi cấp quốc gia đều đoạt giải trong ba năm liền.
“Qua đó đã tạo phong trào thi đua sôi nổi, giúp các em học sinh có điều kiện thực hiện ước mơ sáng tạo của mình” - thầy Sơn chia sẻ.
Sáng kiến kỹ thuật “Chưng cất nước ngọt cho ngư dân vùng biển bằng năng lượng mặt trời” của Đạt và Dũng đã gặt hái nhiều giải thưởng như giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia năm học 2016 - 2017; giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng do Liên hiệp các hội KHKT Nghệ An, Sở GD-ĐT, Sở Khoa học - công nghệ, Tỉnh đoàn Nghệ An vừa tổ chức.
Doãn Hòa - Báo Tuổi trẻ