Người khuyết tật chế tạo thành công ô tô điện - xăng
Chiếc ô tô được anh Điện thiết kế nhỏ gọn, dài 2,6m, ngang 1,3m, chở được tối đa 4 người.
Nhìn Lê Quang Điện (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển chiếc xe ô tô (có thể chạy bằng điện hoặc xăng) thuần thục, dễ dàng, ít người nghĩ rằng, anh đã bị hỏng mắt trái, tay phải và chân trái bị yếu từ nhỏ, mới đây chân phải bị gãy.
Càng ít người biết rằng, anh Điện chính là người đã tự mình thiết kế, chế tạo và lắp đặt chiếc xe này trong thời gian 6 tháng.
Có thể chạy điện hoặc xăng, điều khiển bằng tay hoặc chân
Gần một tháng nay, người dân khu vực Bách Khoa đã quen với hình ảnh anh Lê Quang Điện, ở nhà 101, K7 ngày ngày đưa đón 2 con đi học, đưa mẹ đi khám bệnh trên chiếc ô tô nhỏ có thiết kế khá lạ mắt.
Chiếc ô tô được anh Điện thiết kế nhỏ gọn, dài 2,6m, ngang 1,3m, chở được tối đa 4 người. Ô tô có thể chạy được một trong hai động cơ là điện và xăng. Với động cơ điện, xe có thể chạy tốc độ tối đa 25-30km/h.
Ắc-quy mỗi lần sạc đầy (trong vòng 4-6 tiếng), có thể chạy được tối đa 80km. Với động cơ xăng, xe có thể chạy với tốc độ tối đa 40-50km/h, bình xăng dự phòng có thể đi quãng đường 60-70km.
Trường hợp xe đang chạy mà hết điện thì người sử dụng có thể chuyển chế độ sang chạy bằng động cơ xăng và ngược lại. Trao đổi với Báo Giao thông, anh Điện cho biết, anh hoàn toàn có thể lắp đặt thành xe ô tô điện phục vụ thu gom rác ở khu chung cư cũng như tại các đô thị.
Anh Điện cho biết, tổng chi phí lắp đặt chiếc xe khoảng 100 triệu đồng. Tiền điện mỗi lần sạc đủ để chạy 70-80km chỉ khoảng 12.000 đồng, trong khi nếu vận hành xăng thì phải chi gấp gần 3 lần. Ga và phanh cũng có thể điều khiển bằng tay hoặc chân tùy theo khả năng của người sử dụng. Tay lái được thiết kế, chế tạo nhẹ, quá trình đi không bị lắc, mỏi tay...
Tự làm từ A đến Z
Sau một trận ốm nặng hồi cuối năm 1972, anh Điện bị liệt khi mới 13 tháng tuổi. Gia đình đã tìm mọi cách thuốc thang cứu chữa, sức khỏe anh hồi phục được chút ít, song tay phải và chân trái rất yếu, đi lại khó khăn. Năm học lớp 12, anh bị tai nạn, hỏng mắt trái.
Đến đầu năm 2016, anh lại bị tai nạn lần nữa, bị gãy chân phải, khiến sức khỏe càng thêm giảm sút. Ý tưởng tự làm một chiếc ô tô phù hợp với mình được anh nung nấu từ 2 năm về trước lại càng thôi thúc mạnh mẽ.
Từng là trưởng phòng IT của một tập đoàn dược, anh Điện quyết định tự tìm hiểu cách “sản xuất” ô tô qua mạng internet. Mất 3-4 tháng tìm hiểu nguyên lý, cách thức, đến tháng 9/2016, anh Điện bắt tay đi tìm thiết bị, linh kiện và chế tạo chiếc xe của mình. Đó cũng là thời điểm anh xin nghỉ vị trí trưởng phòng IT vì lý do sức khỏe.
Anh cho biết: Một số chi tiết phải đặt hàng qua các nhà phân phối tại Việt Nam, như bộ vi sai sau (cầu sau của xe), bộ điều khiển động cơ một chiều và động cơ một chiều không chổi than... Một số bộ phận anh mua trong nước, như lốp, vô lăng, bánh, đèn, ghế...
“Còn lại, một số thiết bị, linh kiện trên thị trường không có theo đúng ý mình, tôi tự thiết kế, chế tạo, ví dụ hệ thống phanh bằng chân trái, hệ thống lái, khung sắt xi và rất nhiều chi tiết nhỏ khác”, anh Điện kể.
Theo ông Lê Hữu Phong, bố anh Điện, sau khi tập hợp cơ bản thiết bị, vật tư, từ tháng 12/2016, con trai ông bắt tay vào lắp đặt. Suốt 6 tháng, cho tới khi chiếc xe hoàn thành, Điện cứ mày mò, cặm cụi, nhiều hôm quên cả ăn.
Mấy người quen quanh nhà thấy Điện nỗ lực, cũng nhiệt tình giúp. Chú hàng xóm làm nhôm kính ngay đầu dãy cho mượn máy hàn và máy cắt sắt trong suốt quá trình lắp đặt chiếc xe, thi thoảng lại ghé qua xem có cần gì thì hỗ trợ.
Bác sửa xe máy bên đường giúp hàn gá các chi tiết. Còn cậu bạn học là kỹ sư của Trường ĐH Bách khoa thì làm giúp phần vỏ bằng composite.
“Còn lại, hầu hết nó tự làm. Đôi khi tôi cũng lấy làm lạ là nó đi lại còn khó khăn, sao có thể cưa, đục, hàn, gắn... từ bộ phận cồng kềnh đến những chi tiết rất nhỏ, tỉ mẩn như vậy”, ông Phong nói và cho biết thêm, lắm khi chứng kiến con trai tập trung đến mức quên ăn, quên ngủ mà không khỏi xót ruột.
Như lần xử lý hệ thống phanh chẳng hạn. Do nhiều thiết bị mua của mấy nhà cung cấp, nên khi lắp, muốn một lần phanh mà có thể “ăn” đều 4 bánh rất khó.
“Điện phải tự thiết kế, chế tạo bộ phanh để đảm bảo yêu cầu trên, nhưng 2 lần đầu kích cỡ to không lắp vào được. Mất tới một tuần và phải làm đến lần thứ 3 mới ổn.
Bộ lái cũng vậy, phải làm đến lần thứ 2 mới xong, vì phải đảm bảo yêu cầu hơi lệch về trái, do nó thuận tay trái và không bị rung khi đi vận tốc cao, không bị mỏi khi đi đường dài...”, ông Phong kể.
Mong cơ hội mở rộng sản xuất phục vụ người khuyết tật
“Mặc dù còn một số yếu tố có thể làm tốt hơn, đẹp hơn, song tôi rất vui với sản phẩm của mình. Thế nhưng, điều băn khoăn của tôi là hành lang pháp lý cho việc đăng ký, đăng kiểm xe chưa có nên bản thân người thiết kế, chế tạo cũng như người sử dụng gặp khó khăn”, anh Điện nói và cho biết mong muốn có cơ hội ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu của mình để nhiều người khuyết tật như anh có thể tiếp cận sử dụng.
Chia sẻ mối băn khoăn này, ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch CLB Thanh niên khuyết tật Việt Nam xác nhận, tới thời điểm này mới có quy định về lái xe là người khuyết tật.
Còn quy định chi tiết về tiêu chuẩn xe cho người khuyết tật vẫn chưa có cũng như việc xe đó có được cơ quan đăng kiểm công nhận đủ tiêu chuẩn được cấp phép lưu thông hay không.
Cũng theo ông Thanh, xe dành cho người khuyết tật có 2 loại: Nhập nguyên chiếc về hoặc tự chế. Tuy nhiên, cả 2 loại này đều không được đăng kiểm.
“Với việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 12 (hiệu lực từ 1/6/2017) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, trong đó có quy định chi tiết về đào tạo lái xe và sát hạch lái xe đối với người khuyết tật, anh chị em khuyết tật sẽ bớt gặp khó khăn hơn trong việc học và có được GPLX ba bánh, xe gắn máy và xe ô tô số tự động hạng B1”, ông Thanh nói.
Tốt nghiệp THPT, do sức khoẻ kém nên anh Điện nghỉ học, đi làm. Từ đó đến nay, anh đã trải qua nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Sửa chữa, kinh doanh đồng hồ; sửa chữa, kinh doanh, đào tạo về sửa chữa máy tính, máy photocopy; trưởng phòng IT tại công ty con của một tập đoàn dược từ năm 2005 cho đến khi xin nghỉ giữa năm 2016 do lý do sức khỏe. Kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc đều do anh Điện tự học.
Thảo Nguyên - Trịnh Tuyết (báo giao thông)