Chàng sinh viên ngành cơ khí Quảng Ngãi đam mê sáng chế máy nông nghiệp
Là con của nông dân, lớn lên trên ruộng đồng, chàng sinh viên ngành cơ khí Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) Phạm Thanh Phi vẫn giữ nếp suy nghĩ chất phác khi nói về sáng chế của mình.
“Tôi muốn giúp những người nông dân như cha mẹ mình bớt khổ. Cái suy nghĩ đó đã giúp tôi chế tạo được máy gieo hạt tự động cho đồng ruộng” - Phi nói.
Chế cái gì mà bà con cần
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Phi là trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo chuyên dụng, trong xưởng cơ khí, còn dính đầy dầu mỡ. Bạn bè của Phi bảo: Ngoại trừ lúc lên giảng đường, khoảng thời gian còn lại hầu như Phi “ở lì” trong nhà xưởng và theo đuổi những suy nghĩ của mình cùng các loại máy móc.
Nhưng với Phi, đó là sự đam mê. Phi không muốn ra trường trở thành một người sửa chữa máy móc thông thường, hay một kỹ sư chỉ biết nghiên cứu. Ý thức trở thành một người chế tạo máy có từ khi bạn là một cậu bé. “Tôi thích làm ra những sản phẩm cơ khí có tính ứng dụng cao trong nông nghiệp. Làm thế nào để tăng được chất lượng và công suất nhưng giảm được sức lao động mà người nông dân đổ ra trên những cánh đồng” - Phi bày tỏ.
Khi nhắc về máy gieo hạt cải của mình, chàng sinh viên 24 tuổi gầy nhom nở nụ cười mãn nguyện, bởi sau bao khó khăn, bạn cũng đã có sản phẩm đầu tay ưng ý được ứng dụng.
Ý tưởng bắt nguồn trong một lần Phi về quê thăm bạn ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi), vùng đất bên dòng sông Trà - một trong những vựa rau lớn nhất của tỉnh. “Khi đến đây, mình thấy người trồng rau rải hạt giống xuống đồng không đều. Chính vì thế cải mọc thành chùm, chỗ dày chỗ thưa. Sau đó, người trồng rau phải nhổ để cấy lại. Vừa tốn công, vừa khiến rau sinh trưởng chậm hơn vì mất sức khi bị nhổ lên trồng xuống” - Phi chia sẻ.
Vừa quan sát kỹ cách canh tác, trong đầu Phi vừa hình dung đến chiếc máy gieo hạt cải, tần ô, xà lách... Rồi Phi bắt tay vào nghiên cứu, đọc lại những cuốn sách chế tạo máy để có được kiến thức cơ bản. Tiếp đó, Phi vào xưởng cơ khí của trường, bắt đầu nối từng ống sắt, ốc vít để tạo ra chiếc máy. Theo Phi, trên thị trường trong và ngoài nước có ba loại máy gieo hạt phổ biến là: máy gieo kiểu khí động học (kiểu chân không), kiểu trục cuốn và máy gieo kiểu đĩa.
Cân nhắc sự phù hợp và chi phí sản xuất, Phi chọn phương án chế tạo loại máy gieo chân không đơn giản, theo nguyên lý cơ học để áp dụng vào thực tiễn với giá thành giảm, kết cấu đơn giản.
Chiếc máy này khá dễ dàng khi sử dụng. Phi bảo: Nhờ động cơ dẫn động, người dùng có thể điều khiển để máy di chuyển trên mặt ruộng. Bộ phận hút và nhả hạt gồm bộ lấy và nhả hạt được thiết kế gồm một thanh rỗng gắn các kim nhỏ, có khả năng nhặt hạt từ khay đựng bằng lực hút của động cơ hút, hút hạt vào đầu kim và nhả chính xác vào các ống bỏ hạt nhờ một bộ phận ngắt lực hút.
Chiếc máy mô hình đạt năng suất 14.400 hạt/giờ. “Các bộ phận trên máy có thể dễ dàng tháo lắp, thay đổi kích cỡ và công suất để phù hợp với các loại hạt khác nhau. Khi bị lỗi người dân có thể tự tháo ra và chỉnh lại dễ dàng” - Phi khẳng định.
Mong thành nhà sáng chế của nông dân
Nói về triển vọng của sáng kiến này, Phi hi vọng trước mắt có thể sản xuất chiếc máy phục vụ cho hộ gia đình ở quy mô nhỏ lẻ, sau đó cải tiến để áp dụng trên những cánh đồng lớn. “Hiện nay nhiều khu công nghiệp thu hút một lượng lớn nhân công khiến các vùng nông thôn bị thiếu hụt lao động. Vì thế, việc đầu tư máy móc thay thế tay chân rất cần thiết. Tuy nhiên, giá cả máy móc nước ngoài lại quá cao so với điều kiện kinh tế của người nông dân” - Phi nhấn mạnh.
Có lẽ vì những suy nghĩ đơn giản ấy mà trong suốt cuộc trò chuyện Phi chỉ nói đến ruộng đồng và định hướng tương lai của mình gắn liền với những loại máy phục vụ nông nghiệp.
Không dừng lại ở chiếc máy gieo hạt lên luống tự động, Phi đang ấp ủ ý tưởng chế tạo những chiếc máy mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cho chính quê hương mình (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn). Những ruộng hành, ruộng tỏi ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải đang chờ những chiếc máy của Phi hỗ trợ gieo trồng, thu hoạch.
Chàng trai trẻ hi vọng trong tương lai những chiếc máy của mình được áp dụng rộng rãi trong sản xuất với giá thành rẻ. Đó sẽ là giải pháp phù hợp để thay đổi những bất cập trong phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay. Động lực ấy thôi thúc Phi và các bạn trong nhóm sáng chế quyết tâm thực hiện hơn mỗi ngày.
Chiếc máy gieo hạt lên luống tự động của Phi đã thuyết phục ban giám khảo trao giải nhất tại Ngày hội sinh viên sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất, do Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên VN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào đầu năm nay.
Anh Đặng Minh Thảo, bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, bảo rằng những người trẻ như Phi sẽ tạo nên sự đổi thay rất lớn trên đồng ruộng trong thời gian sắp đến. “Hi vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm hiệu quả như thế ra đời, chung tay và chia sẻ những khó khăn với người trồng trọt” - anh Thảo nói.
Trần Mai - Báo Tuổi trẻ