MS-021: Cơm thứ sáu yêu thương ở Sài Gòn
21h một tối thứ sáu cuối tháng 6, trên đoạn đường Hai Bà Trưng (Q.1) và Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), TP.HCM vẫn tấp nập xe cộ. Trong dòng người hối hả lúc về đêm có những chiếc xe thật đặc biệt của 4 tình nguyện viên thuộc dự án “Cơm thứ sáu yêu thương”.
Người lái không quá vội vã. Người ngồi sau túi nhỏ túi to vẫn dõi mắt thật kỹ hai bên đường. Cứ thấy người vô gia cư, bán hàng rong, đẩy rác... những chiếc xe này đều dừng lại.
“Cô, chú ăn cơm chưa ạ?” - câu nói đó dường như trở thành phản xạ vô điều kiện của Nguyễn Thị Thu Trang (sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), người khởi xướng dự án, mỗi khi nhìn thấy người lang thang hay người lao động khó khăn nào dọc đường đi.
Đáp lại Trang đôi khi cũng chẳng phải là lời cảm ơn, mà chỉ đơn giản là cái gật đầu hay một nụ cười hiền. Dường như họ đã quen thuộc với sự xuất hiện của các bạn tình nguyện viên này.
“Cơm thứ sáu yêu thương” ra đời từ năm ngoái. Hoạt động chính của dự án là phát cơm miễn phí trên các cây cầu như Ông Lãnh (Q.1), Calmette (Q.4) và dọc đường 3 Tháng 2 (Q.10), Hai Bà Trưng (Q.1), Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận)... Ai cũng có thể tham gia ủng hộ với 80.000 đồng/người cho từng hạng mục gạo, bao bì, hộp xốp...
Cứ đều đặn đúng 18h mỗi tối thứ sáu, 4-5 tình nguyện viên lại có mặt tại nhà hàng của Trang. Các công việc thì ai cũng đã quen tay: đi chợ, nấu nướng, đóng hộp và đi tặng. Chỉ 3 - 4 tiếng là mọi việc xong xuôi.
Nhiều câu chuyện, kỷ niệm trong những đêm thứ sáu đó được các tình nguyện viên kể lại.
“Đó là những ngày đầu tiên của dự án. Hôm đó, nhóm đến phát cơm trên cầu Ông Lãnh. Từ xa, mình để ý thấy một cậu bé đi chân không cũng trong nhóm người vô gia cư đứng chờ nhận cơm với vẻ mặt rất háo hức. Nhưng khi đến lượt cậu bé đó thì tụi mình lại hết cơm.
Nhóm cho xe chạy đi mà chưa thể giải thích gì. Mình chỉ kịp quay lại nhìn. Ánh mắt thất vọng lúc đó của cậu bé mình vẫn còn nhớ đến bây giờ” - Nguyễn Thị Thanh Trúc, tình nguyện viên gắn bó với dự án từ những ngày đầu, nhớ lại.
Gần 100 phần cơm được cho đi trong khoảng 30 phút chạy xe từ đường Hai Bà Trưng (Q.1) đến Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận). Hộp cơm cuối cùng đã được phát, nhưng hai chiếc xe của tình nguyện viên vẫn chưa đi hết con đường Phan Đình Phùng.
Đáp lại ánh mắt mong đợi của những người đứng chờ cơm còn lại, 4 bạn trẻ chỉ bối rối xin lỗi.
“Lúc nào cũng vậy, chưa đi qua con đường này thì cơm đã hết. Cứ nghĩ đến những người ở đoạn cuối kia có lẽ vẫn đang chờ cơm, mình thấy thật xót xa” - Trang nói khi nhìn về phía những người vô gia cư bên đường.
Huệ Lâm - Báo Tuổi trẻ