Sáng kiến cộng đồng

View Original

MS-024: Cụ ông tự chế ‘máy quạt triệu đô’

Ông mày mò tự chế ra chiếc máy quạt chạy mà không cần phải cắm điện, chỉ với vật dụng đơn giản xung quanh mình.

Ông là Dương Văn Rô, 68 tuổi, ngụ hẻm 226, đường số 8, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM. Mọi người trong xóm vẫn thường gọi ông với cái tên thân thiết là Tám Rô. Gần đây, cái tên Tám Rô bỗng dưng nổi tiếng.

“Nghe đâu ông Tám mới chế tạo ra “cái máy quạt triệu đô”. Cái máy đó không cần xài điện mà vẫn chạy ngon lành...” - người dân quanh xóm bàn tán xôm tụ.

“Thích thì nhào vô làm thôi”

“Máy quạt triệu đô” chẳng qua là cách mọi người trêu cho vui, thực ra “nó có giá từ 250 ngàn đồng đổ lại chứ nhiêu” - ông Tám cười sảng khoái.

Ông Tám Rô là người gốc Sài Gòn. Thời trẻ ông theo học ngành xây dựng. Đến khi ra trường cũng xin việc làm theo ngành nghề mình đã học.

Rồi tuổi già, ông ở nhà vui thú điền viên, quây quần bên con cháu. Vậy mà đùng một cái, ông nổi tiếng là tay chế tạo máy móc trong xóm dù trước đó chẳng học cơ khí. Và cái máy quạt mà mọi người kháo nhau là sáng chế mới nhất của ông Tám Rô.

Sở dĩ ông chế tạo ra cái máy quạt này vì nghĩ đơn giản: “Cứ chiều chiều ngồi trước sân nhà vậy nè, tôi thấy mình sao rảnh rỗi quá, mới nghĩ hay là mình kiếm gì làm cho nó khuây khỏa.

Nhìn xuống thì thấy đôi chân mình đang yếu dần đi, nhiều lúc muốn đi tập thể dục mà không được. Vậy nên mới nghĩ ra là làm tặng mình cái máy gì đó để chân được vận động ngay cả khi ở trong nhà”.

Ông kể trước tiên là ông nghĩ đến bản thân mình, sau là nghĩ đến mấy người bạn già của ông cũng phải ngồi bó gối ở nhà vì đôi chân yếu, chân cứ run mỗi khi đi đứng.

Nghĩ tới đó, ông lại băn khoăn rằng nếu vận động nhiều thì người cũng sẽ nóng dần lên, cần phải làm gì đó để cơ thể mát hơn... Vậy là ông lóe lên ý tưởng về các cánh quạt.

“Cái máy quạt có thể giúp mình vận động hai chân, tôi nghĩ trong đầu mình như vậy. Nhưng tôi ghét việc phải dùng điện quá mức để chạy máy quạt, nếu chạy bằng điện thì cũng bình thường như bao cái máy khác thôi. Cái máy của tôi không chạy bằng điện. Nó hoạt động bằng sức người” - ông dứt khoát.

Khi được hỏi ông có mường tượng được rõ hình thù của cái quạt mà mình sẽ sáng chế không trong khi ông không rành gì về máy móc thì ông Tám Rô nói chắc nịch cùng ánh mắt sáng rực đầy cương quyết:

“Chả có cái gì thành hình ngay từ ban đầu cả. Cứ nhào vô mà làm thôi, sống chết với nó thì sẽ được hết. Muốn thì phải làm cho bằng được. Đừng ngại sai!”.

Bỏ ăn, bỏ ngủ để sáng chế

Ông Tám Rô không ngại khó, không ngại mình già rồi nên sức sáng tạo kém đi.

Ông không mua mới tất cả thiết bị để làm mà tận dụng những món đồ cũ từ cửa hàng bán ve chai, nhôm nhựa. Đó là những miếng ván ép vuông vức, ông đem về cắt thành hình tròn, phủ một lớp sơn màu vàng lên để tạo mới.

Là cái bàn đạp xe đạp cũ ông mua lại rồi gắn thêm hai thanh kim loại đã phủ sơn vào. Là những sợi dây dùng để nối phần thân quạt với phần chân lại với nhau, chạy theo kết cấu ròng rọc.

Là mấy cái bánh răng cưa ông đi hỏi ở tiệm đồ cũ, mang về cạo hết lớp rỉ sét ra, cả sợi dây xích cũng tự ông đi kiếm cho ra mới chịu...

Một điều mà ông Tám Rô tâm đắc với chiếc máy quạt của mình là có thể dễ dàng sử dụng ở bất cứ góc nào mà không cần dùng đến ổ cắm.

Nếu như những chiếc quạt bình thường phải phụ thuộc vào ổ cắm điện, phải xách đến nơi có ổ điện mới chạy được thì sáng chế của ông khi cúp điện cũng có thể dùng được.

Với ông, đã làm thì phải làm thật chắc, thật khéo. Cứ cây kéo, con dao trên tay, ông tỉ mẩn gọt, cắt, dũa đến từng chi tiết nhỏ. Dưới cái thanh ngang để gắn vào chân chiếc ghế bố, ông khoét ba cái lỗ tròn, nhỏ và có một thanh ngang để định vị.

“Vì tôi thấy chiều cao không phải người nào cũng như nhau. Chân thì có người chân dài, có người chân ngắn nên tôi làm ba cái lỗ này để mọi người chỉnh sửa sao cho nó phù hợp với cái chân của họ, để ngồi cho thoải mái” - ông giải thích.

Ông nhẩm tính: “Cái cánh quạt nhựa 10 ngàn, cái bánh răng này hai cái 40 ngàn, sợi dây này thì mua rẻ lắm, đâu có 5 ngàn đồng thôi.

Cái bàn đạp cũng ngang giá - có 40 ngàn hai cái, mấy miếng ván ép, kim loại này thì cũng rẻ... Làm hết cái máy tầm 250 ngàn đồng đổ xuống, vậy là xong” - ông cười khà khà, vẻ sảng khoái.

Nhưng để làm được cái quạt chạy bằng sức người với giá 250.000 đồng, ông Tám Rô đã phải bỏ không biết bao nhiêu công sức, phải thử nghiệm nhiều lần.

Hai bánh răng không khớp nhau, ông phải tháo ra lắp lại. Cái bạc đạn ông đang cố gắng gắn nó vào thì lại rơi ra... Chưa kể có lần ông làm hư hết đồ dùng.

Đôi bàn tay ông chai dần đi, có lúc chảy máu vì mảnh kim loại đâm trúng. Chưa kể còn bị vợ càm ràm...

Bà Kim Phượng, vợ ông, bảo rằng bà bực ông. Bực vì ông làm mà không chịu ăn uống gì hết. Ông cứ ngồi say sưa, miệt mài suốt ngày đêm ngoài khoảnh sân trước nhà.

Đêm thì mày mò tới hơn 12 giờ. Vừa đặt lưng xuống nằm đâu được mấy chục phút, không biết trong đầu nghĩ gì mà 2 giờ sáng ông bật dậy làm tiếp.

“Cái máy nó tiện đủ đường!”

Ông Tám Rô sáng chế cái quạt khổ cực là vậy và phải tự bỏ tiền mua thiết bị nhưng ông làm chủ yếu là để dành tặng mọi người cùng xài.

Ông không chủ trương bán để lấy tiền mà chỉ cần thấy mọi người tìm được niềm vui từ cái máy của ông, chỉ chừng đó thôi ông cũng thấy hạnh phúc.

Hiện tại ông đã chế tạo được bảy cái quạt nhưng đã mang cho mọi người hết năm cái. Đầu tiên là hai chị gái đã lớn tuổi của ông, rồi đến những người hàng xóm xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Chạy, người hàng xóm được ông tặng cái máy đã một thời gian mà háo hức mãi không thôi.

“Ổng mang cái máy qua, gắn nó vào ghế bố nhà tui, nói cứ ngồi lên đạp thôi, quạt sẽ tự động chạy mà tui đâu có tin. Ổng giục nên tui ngồi lên làm thử, ai ngờ đâu nó chạy thiệt.

Mà hay lắm, tui ngồi dựa hẳn vào ghế, chân thì cứ đạp vậy thôi mà quạt nó chạy êm ru, mát như cây quạt điện tui hay dùng.

Mấy đứa con trong nhà tui cũng thích lắm, buổi trưa ăn cơm xong, cả nhà vẫn thay nhau ngồi đạp cái máy này coi như vừa tập thể dục vừa thư giãn” - bà Chạy hớn hở nói.

Còn chị Võ Thị Hà, người dân sống ở gần đó, khi thấy cái quạt của ông Tám Rô thì tỏ vẻ thích thú hẳn ra, thỉnh thoảng lại chạy qua nhà ông chỉ để được ngồi lên cái máy.

“Tôi thấy cái máy này tiện lợi cho bất cứ người nào, từ người già, trẻ nhỏ đến thanh niên, người trung niên chúng tôi đều có thể dùng được.

Lúc nào mà không có thời gian để tập thể dục thì tôi có thể ngồi lên máy này để đạp, rồi tự làm mát cho mình mà không cần phải phiền phức; có thể kết hợp đọc sách báo luôn, lại tiết kiệm được điện trong nhà nữa.

Hơn nữa, nó an toàn cho trẻ con khi không phải dùng điện. Phải nói là cái máy nó tiện đủ đường!”.

Những ngày này, ông Tám Rô lại loay hoay để cho ra đời cây quạt “đời sau” tiện lợi hơn. Đó là cây quạt mà “một người đạp, nhiều người cùng mát” theo cách gọi của ông.

“Làm sao để không chỉ người ngồi đạp mới có gió mát mà người ngồi xung quanh trò chuyện cũng được mát luôn.

Như vậy mới hay chứ mỗi một người mát thì nó thụ động quá. Hy vọng cái máy ở đời sau nó ngon lành hơn cái đời đầu” - ông tủm tỉm cười.

Nhìn dáng vẻ khoan khoái của ông Tám khi ngồi trên chính cái máy quạt do mình tự chế, nét mặt giãn ra, trò chuyện với con cháu trong nhà, thỉnh thoảng lại trầm ngâm nhìn cái máy quạt mới thấy rõ niềm hạnh phúc của tuổi già ham sáng chế.

Tự làm… hàm răng giả

Ngoài chế tạo máy quạt chạy bằng sức người, ông Tám Rô còn chế tạo ra những chiếc ghế bố cho riêng mình. Đến hàm răng giả ông cũng tự mày mò làm vì thấy giá cả bên ngoài quá đắt.

“Hồi hàm răng nó hư hết. Tôi đi hỏi nghe đâu bảo làm hết gần 10 triệu, tôi nghĩ sao giá cả nó đắt thế nên bảo thôi tự làm. Rồi tôi cũng làm được, giờ hai cái hàm răng của tôi tổng cộng có 180 ngàn mà vẫn dùng được như ai” - ông Tám Rô cười khoái chí.

Biếu người khác dùng

Chẳng bao giờ mọi người trong nhà biết ổng làm cái gì cả vì không bao giờ ổng nói cho nghe. Cứ thấy ổng lụi hụi cả ngày vậy thôi, hỏi nhiều khi ổng đang làm lại quát mình. Khi nào cũng vậy, cứ làm xong mới biết ổng làm cái gì, làm xong ổng mới nói cho mình biết. Mà rồi cũng đem đi cho hết chứ không lấy tiền. Biếu người ta dùng vậy thôi.

Bà NGUYỄN THỊ KIM PHƯỢNG, 62 tuổi, vợ ông Tám Rô

Thanh Tuyền - Báo Pháp luật

Bài gốc.

See this content in the original post