MS-031: Học sinh Cần Giờ chế áo phao từ chai nhựa
Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, 3 em học sinh Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Thị Ngọc Lan (lớp 5, Trường Tiểu học Bình Mỹ, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) đã cùng nhau sáng chế chiếc “Áo phao cứu sinh” – sản phẩm giành giải nhất bảng A, Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2017” do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức.
Ý tưởng ra đời từ những chai nước phế liệu
Chia sẻ về ý tưởng của nhóm, em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm cho biết, em được sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước Cần Giờ. Khi đến trường, em cảm nhận ra chặng đường đến trường của các bạn học sinh còn nhiều khó khăn, vất vả.
Vì nơi em sống, các bạn, các em nhỏ ở xa đi học phải di chuyển bằng ghe, xuồng. Cuộc sống gia đình còn khá vất vả và khó khăn nên cũng khó trang bị cho các bạn một chiếc áo phao cứu sinh để đề phòng khi tai nạn xảy ra, từ đó tụi em đã manh nha ý tưởng thiết kế những chiếc áo phao để tặng cho các bạn”.
Trâm còn cho biết thêm, các thành viên trong nhóm cũng rất hay chơi trò “Thả ước mơ”, viết ước mơ lên giấy, bỏ vào chai nước rồi thả cho trôi theo dòng nước – “thấy chai nước luôn nổi khi cho xuống nước, nhóm em liền nảy ra ý tưởng sẽ dùng những chai nước phế liệu để chế tạo áo phao, giúp các bạn nổi lên khi xuống nước”.
Với suy nghĩ ấy, Trâm cùng hai bạn cùng lớp đã nghĩ ra cách làm “Áo phao cứu sinh” từ những chai nhựa Pet bỏ đi rồi kết lại bằng những dây nhựa, móc khóa trông giống như một cái áo phao “đúng chuẩn”.
Cô Đặng Ngọc Lê, Tổng phụ trách Đội nhà trường chia sẻ: “Ngoài sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, nhóm em Trâm đã đưa ra ý tưởng rồi tự mày mò, tận dụng các vật liệu bỏ đi như vỏ chai, keo dây để làm nên một chiếc áo phao hữu ích mà bất cứ học sinh nào cũng sử dụng được.
Từ những vật dụng bỏ đi, có thể gây ô nhiễm cho môi trường, qua bàn tay và ý tưởng của các em đã trở thành một dụng cụ rất cần thiết”.
Tránh được những tai nạn đuối nước thương tâm
Theo em Nguyễn Thị Ngọc Nhung, để thực hiện sản phẩm này, các em đã sử dụng 5 chai nhựa (mỗi chai dung lượng 1,5 lít) kết dính lại với nhau bằng dây bẹ.
Sau đó dùng dây cước cố định dây bẹ vào chai để chai không tuột khỏi dây khi sử dụng, ngoài ra còn dùng thêm keo để kết dính chai với dây lại. Các em còn gắn các móc khóa an toàn, giúp người sử dụng dễ dàng tùy chỉnh kích thước cho phù hợp.
Những chai nước phế liệu được các thành viên nhóm xin tại các tiệm tạp hóa xung quanh trường, dây bẹ và keo do các thầy cô trong trường ủng hộ, còn các móc khóa được các em tận dụng từ những chiếc áo phao hư, không còn sử dụng được.
Chỉ mất một ngày để các thành viên của nhóm thực hiện ý tưởng của mình với sự giúp đỡ của các thầy cô phụ trách.
Chiếc áo phao khi xuống nước không chỉ giúp người sử dụng nổi trên mặt nước mà còn thoải mái khi sử dụng, từ đó có thể giúp các bạn học sinh an toàn khi tai nạn bất ngờ xảy ra khi đến trường và tránh được những vụ đuối nước thương tâm.
Bên cạnh đó, chiếc áo phao cứu sinh được làm từ những chai nhựa còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích các em học sinh tận dụng những sản phẩm tái chế vào cuộc sống.
Cô Châu Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Mỹ cho biết, hiện tại trường có hơn 220 học sinh ở 5 cấp học, trong đó có nhiều học sinh nhà tại xã Mỹ Khánh, vùng có nhiều sông nước khi đến trường phải qua đò, qua xuồng rất nguy hiểm.
Chiếc áo phao không chỉ thể hiện sự quan tâm của các em học sinh trong trường dành cho những người bạn có gia đình còn nhiều khó khăn mà còn là nguồn động lực để các em học sinh khác noi theo và học hỏi, từ đó có thêm nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của chính mình.
Hiện tại, nhóm đã thiết kế thêm nhiều chiếc áo phao từ chai nhựa tái chế để tặng cho các bạn học sinh có nhu cầu sử dụng trong trường.
“Trong thời gian tới, các em sẽ làm sách hướng dẫn cách làm áo phao cứu sinh, đồng thời giới thiệu đến các trường trên địa bàn huyện Cần Giờ và cả nước để nhiều bạn học sinh có thể tự làm cho mình một chiếc áo phao, giúp các bạn ở vùng sông nước có thể tránh được những tai nạn đuối nước thương tâm” – em Nguyễn Thị Ngọc Nhung cho biết.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi TPHCM lần thứ 12, năm 2017 thu hút sự tham gia của 21 quận, huyện với 110 sản phẩm dự thi cấp thành phố, 214 thí sinh đại diện 91 trường. Trong đó, bảng A (tiểu học): 50 sản phẩm, bảng B (THCS): 30 sản phẩm, bảng C (THPT): 30 sản phẩm.
Tổng số giải thưởng được trao cho ba bảng là 24 giải. Các sản phẩm tiêu biểu tại cuộc thi cấp thành phố sẽ được tuyển chọn, hoàn thiện tham gia “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2017” diễn ra tại Hà Nội.
Mỹ Lâm - HCMCPV.org