Nông dân sáng chế máy đánh rãnh lên líp
Xuất thân từ một gia đình nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời anh Nguyễn Văn Cường, khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thấm thía nỗi vất vả của nghề nông.
Hàng năm, gia đình anh cũng như các hộ dân khác tốn hàng triệu đồng để thuê nhân công vít líp (lên luống) xuống giống hoa màu.
Từ trăn trở đó, 3 năm qua, anh Cường đã tìm tòi và sáng tạo thành công máy đánh rãnh mini lên líp trồng hoa màu, giúp nông dân giảm công lao động cũng như chi phí SX.
Để có được chiếc máy, anh Cường phải trải qua thời gian vất vả. Sau khi mua được máy xới tay cũ đem về thử nghiệm, anh thấy có nhiều bất cập nhất là động cơ máy chạy yếu và đánh rãnh không đạt yêu cầu đối với những vùng đất khó.
Từ đó, anh mày mò bằng cách thay thế đầu máy này bằng đầu máy của chiếc xe Honda, nhằm sử dụng hộp số. Từ khi cải tiến được bộ phận này, công suất của máy được nâng lên.
Bên cạnh đó, anh cũng cải tiến và lắp đặt thêm hệ thống quạt gió cho đầu máy để giải nhiệt trong thời gian máy hoạt động.
Cải tạo lại các các bộ phận chưa phù hợp như bánh xe, cắt khung nâng đầu máy, thay thế dây cu roa bằng dây sên, cải tạo trục đánh rãnh từ 2 đến 6 tấc, sâu 3 tấc.
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, vẫn còn khó khăn là do trục xới lắp đặt theo kiểu truyền thống. Cho nên, khi đánh rãnh, đất bùn sẽ văng lên người ảnh hưởng đến sức khỏe người điều khiển phương tiện đi phía sau.
Để khắc phục tình trạng này, anh Cường cải tiến bằng cách cho quay đầu máy ngược lại để trục xới nằm về phía trước, do đó chất lượng đánh rãnh hiệu quả hơn.
Anh Cường cho biết: “Chế tạo máy ra không đạt yêu cầu tôi ngủ không được, nằm nghiên cứu cải thiện cách làm như thế nào chứ đâu phải nói một cái là nó trơn tru”.
Vừa làm vừa khắc phục, cải tiến những yếu tố kỹ thuật chưa phù hợp, sau thời gian ngắn, anh Cường đã hoàn thành chiếc máy và đưa vào sử dụng không còn trở ngại. Hiện máy kéo rãnh của anh có trọng lượng khoảng 80kg, công suất hoạt động khoảng 3 công đất/ngày, mỗi giờ tiêu hao nhiên liệu khoảng 2 lít xăng.
Bên cạnh đó máy được cải tiến thêm bộ phận trục nên có thêm chức năng, đắp chân mía, ớt và làm cỏ đậu, thu nhập bình quân của máy cả triệu đồng/ngày.
Thấy được hiệu quả của máy, nhiều hộ dân trong vùng và ngoài địa phương rất tâm đắc, anh Đặng Văn Trựng, khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình cho biết:
“Thời gian qua, anh Cường sáng tạo nhiều loại máy giúp bà con làm màu nhanh gọn, đánh rãnh hàng sâu đất nhuyễn. Tôi rất khoái máy của anh Cường làm”.
Anh Nguyễn Trường Kỳ, ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang mùa vụ trước thuê nhân công lên líp trồng ớt chi phí khoảng 1 triệu đồng/công.
Mùa này, anh ủi rãnh bằng máy của anh Cường chỉ tốn khoảng 350 ngàn đồng/công giảm hơn một nửa so với trước.
Anh Kỳ phấn khởi cho biết: “Trước kia mình làm, mướn người ta vít khoảng 200 ngàn giờ lên 250 ngàn đồng. Có máy anh Cường thì tôi cuốc hàng 1 lần chỉ 350 ngàn đồng, rẻ hơn 350 ngàn đồng bằng 4 người vít chi phí một ngày 1 triệu đồng.
Máy anh Cường làm đất đẹp, đẹp hơn vít bằng len và rất lâu. Một ngày mình vít khoảng 4 người cho 4 hàng xuôi, máy anh Cường chỉ làm một buổi, đỡ tốn chi phí và công lao động”.
Điều đáng ghi nhận, là anh Cường chưa từng học qua lớp thợ nghề nào cũng như trình độ văn hóa chỉ mới lớp 6.
Nhưng nhờ ý chí vượt khó, sự thông minh, khéo léo, sự đam mê sáng tạo của người nông dân nơi vùng đất cồn của huyện anh hùng, anh đã biết tạo ra máy móc phục vụ đắc lực SX nông nghiệp.
Chính sự nhiệt tình tâm huyết với sáng tạo, đồng hành với cuộc mưu sinh vất vả của người nông dân của anh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Đỡ, Bí thư Chi bộ khóm Phú Mỹ cho biết: “Người nông dân địa phương chúng tôi sản xuất theo tập quán cũ, lấy len vít từ len lên thành líp rồi mới trồng ớt nên rất cực nhọc.
Anh Cường đã mày mò, tìm tòi học hỏi sáng chế cái máy kéo hàng, không cần đến công lao động làm giảm chi phí SX cho bà con. Địa phương rất hoan nghênh tinh thần của anh Cường...”.
Mặc dù sáng chế của anh Cường có thể chưa có mẫu mã hình thức đẹp mắt nhưng vô cùng hiệu quả và hữu ích. Với anh Cường, chỉ cần đam mê, kiên trì, chịu khó học hỏi là thành công.
Điều anh mong mỏi là trong thời gian tới được các cấp, các ngành tạo điều kiện để đăng ký thương hiệu và làm hạn chế đến mức thấp nhất kinh phí chế tạo cũng như độ phức tạp trên từng chi tiết máy móc, thiết bị để người dân ai cũng mua được và dễ dàng sử dụng.
Trần Bảnh - Báo nông nghiệp