Sáng kiến cộng đồng

View Original

Máy hỗ trợ tập cầu lông độc đáo của nam sinh lớp 9

Nam sinh có sáng chế độc đáo là em Hứa Phương Nam, lớp 9B, trường THCS Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nói về chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông của mình, Phương Nam chia sẻ: "Trong một lần đang tập cầu lông, bạn của em có việc bận phải đi nên không có ai chơi cùng. Từ đó, em nảy ra ý tưởng sẽ làm chiếc máy hỗ trợ tập cầu lông để không phụ thuộc vào ai".

Với niềm đam mê khoa học, cậu học trò lớp 9 đã lên mạng tìm hiểu thông tin, kiến thức liên quan, sau đó tự mày mò sáng chế ra chiếc máy theo ý mình.

Nam cho biết nguyên lý hoạt động của chiếc máy gồm 3 phần: Thân máy, khung máy và bộ phận giá đỡ khung ngoài cùng. Đặc biệt, phần thân máy có mô tơ gắn với hai mặt vợt đối xứng nhau qua trục. Phía trên là cần trục điều khiển, gắn 3 mô tơ nhỏ cùng 3 ống cầu.

Tất cả được điều khiển bằng hệ thống bảng điện và sử dụng nguồn điện 220V. Tùy nhu cầu, người sử dụng có thể chỉnh máy ở chế độ tự động hay bán tự động. Cầu sẽ được máy phát ra nhiều hướng khác nhau để người chơi di chuyển hợp lý.

Sản phẩm máy hỗ trợ tập cầu lông của Nam đã giành được nhiều giải thưởng lớn như: Giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Bắc; giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình…

"Trong tương lai, em sẽ cải tiến chiếc máy để phần nhả cầu ổn định, cũng như tích hợp với phần đếm cầu chính xác hơn", Nam chia sẻ.

Khi còn học lớp 7, cậu học trò này cũng làm ra chiếc máy rửa bát, nhưng còn nhiều hạn chế nên em đã từ bỏ.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng có máy hỗ trợ đánh cầu lông nhưng giá thành cho mỗi chiếc máy đó rất cao (lên tới cả trăm triệu đồng). Sản phẩm của Nam có ưu điểm giá rẻ, có thể sử dụng cho cả cầu cũ lẫn mới (các máy khác chỉ đánh được cầu mới nên rất tốn kém).

Ngoài ra, lực đập của máy mạnh giúp thực hành những bài tập nâng cao khá tốt.

Vũ Loan - VTV