Sáng kiến cộng đồng

View Original

Máy ấp trứng từ phế liệu

Máy lạnh hỏng, tường nhà, những miếng xốp hay cánh quạt máy tính bỏ đi... đều được kỹ sư Phạm Hân Hạnh - cán bộ phòng kỹ thuật, trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn, Sơn La - tận dụng để lắp ráp máy ấp trứng gà, với công suất có thể lên đến 20.000 quả trứng mỗi lần ấp.

Máy ấp tự động đảo trứng, chỉnh nhiệt

Muốn tăng hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi gia cầm, gia đình kỹ sư Hạnh cũng như bà con xung quanh có nhu cầu sử dụng máy ấp trứng.

Tuy nhiên, giá máy ấp trứng bán trên thị trường khá đắt (khoảng trên 23 triệu đồng cho máy công suất 3.000 trứng) nên không phải hộ nào cũng có điều kiện đầu tư. Bởi vậy, ông Hạnh muốn tạo ra những chiếc máy ấp trứng từ những vật dụng bỏ đi để giảm chi phí.

“Tôi bắt đầu làm từ năm 2010, lúc đầu chế tạo máy có công suất nhỏ, ấp được 50 quả trứng. Sau đó, thấy có hiệu quả, tôi tiếp tục cải tiến và lắp ráp những máy có công suất lớn hơn. Đến nay, tôi đã chế tạo được máy ấp có công suất đến 20.000 trứng” - kỹ sư Phạm Hân Hạnh chia sẻ.

Máy ấp trứng do ông thiết kế bao gồm thùng máy, khay trứng, bộ phận tạo và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, bộ thông gió, thiết bị đảo trứng. Vỏ máy được làm từ khung tủ lạnh, tủ đá hỏng, phía dưới đặt bóng đèn dây tóc công suất 60W.

Phía trên bóng đèn đặt khay đặt trứng (làm bằng các thanh gỗ và nhựa), các quạt tản nhiệt (có thể lấy từ các máy tính cũ) để nhiệt độ được phân tán đều, tránh tình trạng những quả trứng ở gần bóng điện nóng hơn ở khu vực xa bóng. Trong quá trình ấp, trứng được đảo tự động mỗi 2 giờ nhờ môtơ được lắp vào các khay.

“Để sở hữu một chiếc máy ấp 800 trứng, bà con chỉ cần bỏ ra 2-3 triệu đồng. Máy có thể điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, thông gió một cách tự động hoàn toàn. Nhờ rơle nhiệt, máy sẽ tự ngắt điện khi đủ nhiệt độ trong lò” - ông Hạnh nói.

Từng sử dụng máy ấp trứng do ông Phạm Hân Hạnh sản xuất, ông Lường Văn Hà - xã Huy Tường, huyện Phù Yên, Sơn La - chia sẻ: “Hiện tại, tôi sử dụng loại máy có công suất 3.500 trứng, tỷ lệ ấp nở trên 90%.

Ngoài việc ấp trứng cho gia đình, tôi còn mở dịch vụ ấp thuê với giá 3.000 đồng/con, mỗi tháng ấp khoảng 5.000 trứng. Cứ mỗi mẻ trứng ấp mất khoảng 21 ngày.

Khi trứng nở, tôi nuôi gà con, tiêm đầy đủ vắcxin rồi bán với giá 30.000 đồng/con. Hằng năm bắt đầu làm từ tháng 3 tới tháng 10, trừ các chi phí, gia đình tôi thu về mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng”.

Cải tiến, nâng cao hiệu suất

KS Phạm Hân Hạnh cho biết, việc sử dụng máy ấp góp phần tăng năng suất trứng cho gà mẹ vì không mất thời gian ấp và nuôi con.

Máy ấp trứng do ông chế tạo có giá rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường, chẳng hạn máy có công suất 3.000 trứng chỉ khoảng 17 triệu đồng. Máy có công suất 20.000 trứng giá khoảng 25 triệu đồng (so với mức giá trung bình 40 triệu đồng trên thị trường).

Lý giải về ưu thế giá cả này, KS Hạnh cho biết khi nhận được đơn đặt hàng, tùy theo công suất, ông sẽ có thiết kế phù hợp và tận dụng các phế liệu như thùng xốp, cánh quạt bỏ đi.

Thậm chí có những gia đình có thể tận dụng luôn tường nhà để lắp đặt khu ấp trứng, chỉ có bộ điều khiển, môtơ là phải mua nên chi phí giảm rất nhiều. Tuy nhiên, tác giả cũng thừa nhận, máy ấp trứng của ông về hình thức không đẹp.

Ông Đặng Xuân Biên - bản Hai, xã Chiềng Kho, Sông Mã, Sơn La, một khách hàng của KS Hạnh - nhận xét: “Máy rất dễ sử dụng vì gần như tự động hoàn toàn, khi dùng chỉ cần xếp trứng vào khay, sau một tuần lấy ra soi để loại những quả không có trống rồi tiếp tục đưa vào ấp.

Tôi cài đặt nhiệt độ 37,2-37,80C, nếu lò ấp nóng hơn thì hệ thống báo động để mình điều chỉnh giảm bằng cách mở 2 cánh cửa bên trong có quạt gió để tản đều nhiệt độ. Với máy ấp này, gà con nở ra khỏe, bông, lông mượt”.

KS Hạnh cho biết: “Cho đến nay, tôi đã chuyển giao công nghệ này cho một cơ sở sản xuất và đã chế được khoảng hơn 20 máy.

Chủ yếu là các trạm khuyến nông tại các huyện đặt hàng để tạo con giống cung cấp cho bà con nông dân tại chỗ, đồng thời cũng tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho cán bộ khuyến nông. Năm 2014, sản phẩm đã đoạt giải khuyến khích trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La” - ông chia sẻ.

Thái Hà - Khoa học phát triển