Sáng kiến cộng đồng

View Original

Người nông dân trở thành kỹ sư sáng chế

Lâm Đồng nhiều người biết đến ông Đặng Văn Bảy (52 tuổi, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh). Chỉ học hết lớp 5, từng làm thuê, ăn nhờ ở đậu nhà người khác, nhưng ông Bảy đam mê sáng chế và có hàng loạt sáng chế độc đáo và hữu ích, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhà nông.

Đam mê sáng chế

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo đông con ở Nam Định, ông Đặng Văn Bảy chỉ học hết lớp 5. Đến năm lên 15 tuổi, nhiều người trong xóm rủ nhau đi kinh tế mới tại Lâm Đồng, ông Bảy quyết định bỏ nhà đi theo.

“Ngày đó, tôi đi “chui” nên không được hỗ trợ, để sống qua ngày tôi phải đi làm thuê, làm mướn và ở nhờ nhà người khác. Tôi làm đủ thứ nghề từ cuốc hố trồng cây, dọn cỏ, hái cà phê... Do chịu khó làm nên tôi được nhiều chủ nhà quý mến”- ông Bảy nhớ lại.

Cũng nhờ đó, ông Đặng Văn Bảy được chủ nhà gả con gái cho. Sau khi lập gia đình, ông Bảy cùng vợ chịu khó khai hoang, trồng cà phê. Bà Hồng (vợ ông Bảy) cho biết: “Ở huyện Di Linh, nhiều gia đình chọn cây cà phê làm cây trồng chủ lực, tuy nhiên tất cả các công đoạn từ thu hoạch, chế biến cà phê đều phải làm bằng tay, không có nhiều loại máy móc như bây giờ.

Sau khi hái càphê, người dân phải phơi khô và mang đến cơ sở xay xát để chà vỏ. Tôi nhớ ngày đó, cả xã chỉ có khoảng 2 chiếc máy chà vỏ cà phê, trong khi đó rất nhiều hộ dân trồng cà phê thu sản lượng lớn. Để xay vỏ càphê, buộc các hộ phải đăng ký trước gần 1 tuần”.

Thấy được nhu cầu thiết yếu của người dân địa phương và từng đi làm thuê tại các lò rèn, tiệm gò, hàn, sửa chữa máy… nên cũng biết ít nhiều về cơ khí, máy móc, ông Đặng Văn Bảy nảy ý tưởng chế tạo chiếc máy chà vỏ.

Nghĩ là làm, ông Bảy mua sắt thép, phụ tùng… rồi ngày đêm tìm hiểu và nghiên cứu cách chế tạo chiếc máy chà vỏ. Làm đi làm lại nhiều lần, có khi phải bỏ tiền túi để khắc phục, sửa chữa những lỗi sai khi máy vận hành, sau nhiều ngày mày mò, cuối cùng ông Bảy đã chế tạo thành công máy chà vỏ cà phê trước sự ngỡ ngàng, thán phục của người thân trong gia đình.

Máy cho năng suất rất cao, mỗi giờ có thể giúp bóc vỏ 4-6 tấn càphê tươi. Sau khi tách vỏ, nông dân chỉ cần lấy nhân càphê đem phơi; thời gian phơi cũng được rút ngắn, làm giảm đáng kể công sức người lao động.

"Kỹ sư chân đất"

Sau sản phẩm đầu tiên, ông Đặng Văn Bảy tiếp tục chế tạo hàng loạt máy móc hữu ích, như máy chà vỏ cà phê khô CKM2 công suất 1-1,2 tấn cà phê nhân/giờ; máy CKM3 công suất 1,5 tấn/giờ, nhân được sàng lọc sạch và không bị vỡ....

Ngoài ra, ông còn chế tạo thành công chiếc máy phân loại cà phê xanh và càphê chín, máy bơm nước chuyên dùng tưới cà phê, máy dập lưới da cóc...

Sau khi chế tạo thành công hàng loạt máy nông nghiệp hữu ích, tiếng lành đồn xa, nhiều người dân từ khắp nơi tìm tới đặt mua máy của ông Bảy.

“Hàng năm, tôi sản xuất hàng ngàn máy nông nghiệp các loại và được bày bán tại hàng trăm đại lý ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai... mang về thu nhập cao cho gia đình.

Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và chế tạo thêm các loại máy nông nghiệp tiện ích, giúp người dùng nâng cao năng suất, giảm bớt công và thời gian lao động”- ông Bảy chia sẻ.

Ông Bảy đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố nằm trong danh sách 63 người đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.

Theo Hội Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng), từ năm 2011 đến nay, ông Bảy đã chế tạo hàng trăm mẫu máy móc cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ thay đổi cuộc sống của mình và gia đình, ông Bảy còn tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 25 lao động địa phương, trở thành "kỹ sư chân đất" được nhiều người ngưỡng mộ.

K'Liệp - Báo lao động