MS-049: Những đứa trẻ 'may mà được đi học' khi theo cha mẹ lên TP.HCM mưu sinh
Hơn 200 em có độ tuổi từ 6 - 14 theo cha mẹ từ tỉnh lẻ lên TP.HCM không được theo học tại các trường chính quy đã được các cô tại Trung tâm phát huy Bình An (Q.8, TP.HCM) mở lớp vận động đi học.
Lớp của trẻ em nhập cư
Nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (P.7, Q.8) là mái trường nhỏ thuộc trung tâm phát huy Bình An, nơi đến hàng ngày của những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện đi học ở những trường chính quy.
Các em ở đây đa phần xuất thân từ những gia đình khó khăn, mỗi em từng hoàn cảnh khác nhau khi cha mẹ hàng ngày phải quay cuồng mưu sinh. Cái ăn cái mặc còn thiếu trước hụt sau thì việc học với các em trở thành điều gì đó quá xa xỉ.
Từ khi lên thành phố, nhiều em không còn được cắp sách đến trường mà phải phụ cha mẹ làm nhiều việc để kiếm sống từng bữa như: nhặt ve chai, bắt ốc trên những kênh rạch, nhặt rau nhút và giữ em...
Thấy được hoàn cảnh đó, cô Đặng Thị Thu Hạnh - quản lý trung tâm phát huy Bình An đã bỏ nhiều công sức đến nhiều khu vực có đông người nhập cư từ tỉnh lẻ lên TP như các xã An Phú Tây, Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM).... vận động gia đình cho các em nhỏ đang thất học đến lớp tìm con chữ.
Việc vận động con em đi học cũng không hề đơn giản, có những gia đình làm việc “đầu tắt mặt tối” muốn cho con đi học nhưng không có người đưa đón, không có người giữ nhà, trông em và từ chối ngay. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực động viên và sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt như cho xe đạp đi lại, tài trợ tiền đi xe buýt..., cô Đặng Thị Thu Hạnh đã vận động được hầu hết các em đến lớp.
Chị Võ Ngọc Điệp (34 tuổi, quê Kiên Giang), mẹ em Nguyễn Văn Trà (10 tuổi) học lớp 2 tại Trung tâm phát huy Bình An cho biết, ở quê lên TP.HCM được hơn 3 năm nay, vợ chồng lên đây mượn mảnh đất giữa đồng của một người quen dựng túp lều lợp lá dừa nước ở tạm, ai mướn gì làm nấy.
Khi nào người ta lấy đất thì mình đi. Cuộc sống khó khăn nên lúc mới lên, gia đình nghĩ con mình đã học lớp 1, biết đọc và viết rồi thì ở nhà giữ em, làm việc nhà rồi lớn lên kiếm nghề gì cho đi học rồi làm. Nhưng biết được lớp cô Hạnh và cô xuống nhà vận động thì gia đình mừng lắm, như có người mẹ thứ hai lo lắng và chăm sóc cho con mình vậy.
“Hằng ngày cho con đến lớp tôi cũng rất yên tâm, thằng bé giờ có thể viết chữ thành thạo và làm được các phép tính, tôi biết ơn các cô lắm”, chị Điệp rơm rớm nước mắt nói.
Sau 7 năm thành lập, Trung tâm phát huy Bình An hiện có hơn 200 em theo học chia thành các lớp từ 1 đến 5, học buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6. Các em được phổ cập đúng theo chương trình của Bộ GD-ĐT với tất cả các môn. Mọi vật dụng từ sách vở, bút viết, trang phục, cặp sách ...của các em đều được miễn phí hoàn toàn.
Cô giáo đứng lớp là những người đã về hưu từ một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, ngoài ra cũng có một số cô thấu hiểu hoàn cảnh của các em đã xin nghỉ tại các trường về đây giảng dạy.
Cô Hạnh cho biết trước đây lớp học được mở vào buổi tối, chỉ hơn 10 em theo học tại nhà thờ Bình An. Rồi lượng học sinh tăng lên, nhà thờ cũng lấy chỗ phục vụ vào việc khác. Sau đó trung tâm mới vận động kinh phí từ các tổ chức và xây thành lớp học như hiện nay. Đây là lớp thuộc một trong những chương trình của tổ chức Bạn trẻ em đường phố (FFSC).
“Hầu hết các em ở đây là con của người ngoại tỉnh lên thành phố. Nhiều em lớn tuổi nhưng chưa đi học, chưa có khai sinh và không có điều kiện đến lớp. Tôi và các cô ở đây mới bỏ thời gian đi tìm hiểu và vận động.
Có những gia đình khi vận động cho con đi học thì họ không quan tâm và nói con đọc được rồi nên thôi, ở nhà coi em. Tuy nhiên sau nhiều lần chúng tôi thuyết phục thì các em đều được đến lớp đầy đủ, gia đình cũng biết ơn các cô giáo”, cô Hạnh cho biết.
Gian nan tìm con chữ
Theo cô Hạnh, trong trường hiện có một trường hợp đặc biệt là cả 5 chị em trong một gia đình đều đến lớp.
Gia đình các em hiện ở trong một căn phòng trọ lụp xụp chỉ có một mình bố đi làm. Trước khi đến tìm hiểu và vận động thì chỉ có chị đầu được đi học, nhưng vài hôm cũng phải nghỉ ở nhà trông em cho mẹ đi làm. Các cô giáo mới tiếp tục đến nhà động viên và nhận dạy 3 em đầu, rồi đến cả hai em nhỏ 2 và 4 tuổi cũng vậy.
Tương tự, con đường đến lớp của em Phùng Thanh Quân, học sinh lớp 5, chuẩn bị thi chuyển cấp học lên lớp 6 cũng đầy chông gai. Em sinh ra trong một gia đình có nhiều biến cố, cha bỏ đi, mẹ có chồng khác.
Em phải sống với người cậu trong một căn chòi giữa đồng. Hằng ngày sau buổi học, em phải đi bộ lang thang khắp nơi để lượm ve chai bán kiếm tiền. Có những hôm, em xin theo những chiếc xe tải chở xà bần lượm sắt vụn.
Có hôm đang đến lớp, mẹ em bắt nghỉ học dẫn theo về Vũng Tàu, cô giáo ở lớp phải gọi điện thoại vận động trong thời gian dài mới đưa được em trở lại lớp học.
“Em Quân học rất giỏi, đợt thi lớp 5 vừa rồi em đạt điểm cao nhất lớp và chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6, đó là niềm vui rất lớn của các cô ở đây, vì đã làm được một điều gì đó giúp các em mong có được tương lai tốt hơn sau này”, cô Hạnh nói..
Theo cô Hạnh, nhiều em hoàn thành xong lớp 5 ở trung tâm, muốn học tiếp lên các lớp ở trường ngoài nhưng không được vì các em chưa có giấy khai sinh nên hiện trung tâm đang cố gắng giúp các em hoàn thành hồ sơ để tiếp tục theo lớp. Tôi cũng cố gắng hết sức, mong muốn giúp cho các em được biết cái chữ, có đạo đức và trở thành người tốt ở xã hội sau này, xem đó như phần trách nhiệm và niềm vui của mình vậy.
“Các em đi học rất cực, một số em bế cả em đến lớp. Trước đây, khi tôi đứng lớp dạy ở trường khác thì đã nghĩ khi về hưu sẽ vào trung tâm giảng dạy giúp các em, nay đã thành hiện thực nên tôi rất mãn nguyện. Tôi sẽ dạy giúp các em đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”, cô Bùi Thị Ràng chia sẻ.
Còn chị Võ Thị Kiều Thu (38 tuổi, quê Cần thơ) mẹ em Phạm Thị Mỹ Thuận, học lớp 3, chia sẻ, hồi ở dưới quê cũng cho bé đi học. Cả gia đình lên đây làm thuê, gửi con bé cho ngoại nuôi, nhưng con nhớ ba mẹ học không được nên đón lên.
Khi lên Sài Gòn cũng chân ướt chân ráo, không biết kiếm nơi nào cho con vào học, mới bắt ở nhà giữ em, tính cho nghỉ học rồi lo mần ăn. Khi cô Hạnh đến tìm hiểu và nói cho bé đi học, không tốn tiền, nên gia đình mới tiếp tục cho bé đến lớp.
“Cô Hạnh đến vận động cho con đi học, tôi vui mừng lắm, cũng tìm mọi cách đứa đón con đi học hằng ngày, mong sau này con bé có chữ đi ra không thua thiệt với mọi người”, chị Thu tâm sự.
Bé Phạm Thị Mỹ Thuận kể: “Học trên lớp vui vì có nhiều bạn bè, được trò chuyện và đi chơi. Lúc trước ở nhà giữ em và giữ con của dì, con thấy mệt lắm, không có bạn nói chuyện. Các cô ở lớp rất tốt, con muốn học xong ở trung tâm sẽ được học lên các lớp khác ở trường ngoài nữa”.
An Huy - Phan Định (Báo Thanh niên)