Chàng trai Nhật muốn làm 'xã hội lý tưởng thu nhỏ' ở Việt Nam
Một chàng trai người Nhật đến Việt Nam với ý tưởng táo bạo: xây dựng một mô hình xã hội lý tưởng thu nhỏ trong các cộng đồng địa phương ở Việt Nam.
Theo mô hình này, một nhóm nhỏ người sẽ chung sống trong khu phức hợp với không khí trong lành, thực phẩm sạch và tự cung tự cấp, người già không cô độc, trẻ con được thụ hưởng nền giáo dục chất lượng, mọi người cùng nhau nấu nướng, hát hò, tập yoga...
Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện và phi lợi nhuận.
Thực tế hay không tưởng?
Chủ nhân ý tưởng này là Yuji Miyata, người tự gọi mình là sứ giả hòa bình, trước đó đã hoàn thành một mục tiêu "điên rồ" khác: đi bộ vòng quanh thế giới qua 20 quốc gia - trong đó có Việt Nam.
Ý tưởng của Yuji thoạt nghe giống như mô hình xã hội không tưởng "Utopia" trong tác phẩm cùng tên của nhà nghiên cứu người Anh Thomas More.
Nếu "Utopia" chỉ là một hòn đảo giả tưởng ở Đại Tây Dương thì Ekopia (ghép từ "Ecological" và Utopia) của Yuji là một dự án thực tế với những kế hoạch, lộ trình rõ ràng được áp dụng ở Việt Nam và Bulgaria.
Chàng trai 35 tuổi cho biết ý tưởng Ekopia xuất phát từ việc anh thấy ngán ngẩm với sự lên ngôi của kim tiền trong thế giới hiện đại, nơi phần lớn mọi người mất kết nối với người khác, trở nên ích kỷ hơn, lừa lọc, hãm hại lẫn nhau; thực phẩm bẩn tràn lan, chất lượng không khí, môi trường sống đi xuống.
Theo Yuji, quá trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản đã thay đổi xu thế thế giới khiến phần lớn mọi người sống hối hả hơn mà quên mất lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên.
"Thông qua Ekopia, tôi mong muốn kết nối mọi người lại với nhau, thay đổi xã hội, cố gắng truyền đi thông điệp về hạnh phúc, hòa bình. Hạnh phúc thực sự không chỉ xuất phát từ đồng tiền mà đến từ sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện sự thấu cảm" - Yuji chia sẻ.
Yuji cho biết sở dĩ chọn Việt Nam để thử nghiệm vì đây là đất nước có lịch sử chiến tranh đau buồn, người dân hiểu được tầm quan trọng của cuộc sống và hạnh phúc, có sự kết nối mạnh mẽ với gia đình và cộng đồng, mọi người giúp đỡ lẫn nhau như một đại gia đình.
Thêm một lý do mà Yuji chọn Việt Nam là vì anh muốn tỏ lòng biết ơn đến những người Việt đã giúp đỡ, cưu mang anh khi anh ngất xỉu trong lúc đi bộ ở Ninh Bình vào năm 2009.
Chung tay cho Ekopia
Không chỉ là ý tưởng trên giấy, Yuji thời gian gần đây chạy ngược xuôi ở TP.HCM để tìm những người đồng ý tưởng thực hiện dự án.
Phạm Hoàng Ngọc Lan Vy, chuyên ngành quản lý ĐH RMIT, cho biết cô tham gia dự án Ekopia vì mục đích của dự án là điều mà xã hội ngày nay, đặc biệt ở Việt Nam, chưa nhận thức được về môi trường xung quanh.
"Tham gia dự án có thể giúp một sinh viên như tôi hiểu rõ mình có thể đóng góp điều gì đó cho xã hội cũng như học hỏi thêm từ anh Yuji. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi lý tưởng như anh ấy" - Vy nhận xét.
Ngô Minh Phương, một sinh viên khác của Trường RMIT, cho biết dự án Ekopia hoàn toàn khả thi.
"RMIT có một câu lạc bộ môi trường. Các thành viên rất tích cực tham gia các hoạt động và đưa ra các sáng kiến về môi trường dù họ không được trả tiền để làm điều đó. Ekopia là một dự án rất hay vì giúp bảo vệ môi trường Việt Nam và chú trọng cải thiện sức khỏe người dân như thực phẩm hữu cơ, tập yoga" - Phương giải thích.
Ngày 12-9, Yuji hào hứng khoe trên trang Facebook cá nhân đã đến trang trại Sunny Farm của anh Nguyễn Vũ Minh Quân ở huyện Bến Lức, Long An - mô hình trang trại vừa nuôi trồng theo kỹ thuật tiên tiến, vừa là một sân chơi để các bạn trẻ đến nghiên cứu, học tập, rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, đang dần được nhiều người biết đến.
Đi bộ để truyền thông điệp hòa bình và giáo dục
Năm 2009, Yuji từng đến Việt Nam và đi bộ dọc chiều dài đất Việt. Ở mỗi nơi đến, anh đều trồng cây xanh, thăm trại trẻ mồ côi, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và tìm cách truyền tải đến các em học sinh về tình yêu với Trái đất.
Ngoài thông điệp hòa bình, Yuji cũng cố gắng truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của giáo dục đối với trẻ em vì anh tin rằng cách duy nhất để thế giới tốt đẹp hơn là thông qua giáo dục.
Quỳnh Trung - Tuổi trẻ