Sáng kiến cộng đồng

View Original

Những không gian văn hóa đọc cho người Việt

Sự ra đời của những đường sách, thành phố sách quy mô lớn ở TP.HCM cho thấy nỗ lực ban đầu trong việc mang đến không gian hưởng thụ văn hóa đọc, góp phần lan tỏa đam mê đọc sách của cộng đồng.

Nhà văn Nga Maxim Gorky đã nói: "Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức". Thống kê gần đây cho thấy trung bình người Việt đọc khoảng 0,8 cuốn sách/năm, trong khi người Malaysia đọc 10 cuốn/năm, người Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Nhật đọc khoảng 20 cuốn/năm, người Israel (Do Thái) đọc 60 cuốn/năm.

Nhìn vào những con số này có thể thấy người Việt đọc sách ít hơn so với người dân ở các quốc gia trong khu vực và châu lục. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm làm Ngày sách Việt Nam. Và tháng 3/2017, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Do vậy, bên cạnh tăng cường tổ chức các ngày hội sách hằng năm, việc tạo nên các không gian cho văn hóa đọc đang là giải pháp hữu hiệu để khuyến khích và truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng.

Không gian văn hóa đọc ấy là một số đường sách đã được mở ra ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) đã trở thành một nét son văn hóa, từng được chọn vào top 10 sự kiện văn hóa lớn nhất của TP.HCM năm 2016. Đầu tháng 1 này, Đường sách đã mừng sinh nhật tuổi lên hai với những kết quả ban đầu khả quan.

Đó là số lượng bạn đọc đến với Đường sách ngày càng tăng, năm 2016 là 1,5 triệu người, thì năm 2017 đã tăng lên 2,5 triệu người. Số sách bán ra và doanh thu năm 2016 là 500 ngàn bản và 26 tỷ đồng, thì đến năm 2017 đã đạt gần 750 ngàn bản sách và thu khoảng 40 tỷ đồng.

Không chỉ là nơi lưu hành, bán sách, thành công lớn nhất của Đường sách TP.HCM là đã tạo được không gian văn hóa, góp phần tạo nên thói quen, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách và là điểm đến quen thuộc của người dân thành phố, cả du khách cũng tìm đến tham quan, mua sắm.

Ngoài không gian mát mẻ và các gian sách trang hoàng khá đẹp mắt, văn minh theo từng tháng hay từng mùa, Đường sách còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu, gặp gỡ giữa tác giả và bạn đọc, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm, trưng bày... tạo hiệu ứng xã hội cao.

Ở đây cũng có khu vực vui chơi giải trí tại 2 quán cà phê sách nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, chụp ảnh lưu niệm của cả khách ghé thăm. Theo một khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2017 của Ban quản lý Đường sách TP.HCM với 450 phiếu phát ra, hơn 58% người đến Đường sách để mua sách, gần 50% đến tham quan và 36% đến đọc sách, gần 19% đến để uống cà phê. Kết quả này cho thấy nhu cầu đa dạng của cộng đồng đối với Đường sách.

Từ thành công của Đường sách Nguyễn Văn Bình, UBND TP.HCM đã cơ bản thống nhất kế hoạch "phủ sóng" đường sách trên địa bàn đến năm 2025 trong mục tiêu hướng tới "thành phố đọc sách". Theo dự kiến, trong năm 2018 sẽ mở thêm Đường sách Nguyễn Đổng Chi (Q.7), Đường sách Phạm Huy Thông (Q. Gò Vấp) và Công viên sách Âu Lạc (Q.5).

Để đem lại sự mới mẻ cho văn hóa đọc và tạo không gian cho người đọc sách, bên cạnh mô hình đường sách, ở TP.HCM cũng đã xuất hiện mô hình "nhà sách để đọc sách". Có thể kể đến Nhà sách Kim Đồng (Q.1) với không gian rộng rãi, khu vực đọc sách được thiết kế xen kẽ với quầy sách để bạn đọc có thể chọn bất cứ cuốn sách nào và đọc cả ngày.

Đầu tháng 12 năm ngoái đã xuất hiện một mô hình mới, mang tính "đột phá" hơn trong việc tạo ra không gian cho văn hóa đọc, tuy cũng mang đậm yếu tố "nhà sách để đọc sách" nhưng đa dạng và rộng lớn hơn nhiều so với nhà sách của NXB Kim Đồng.

Đó là Thành phố sách (Phương Nam Book City) - The Garden Mall nằm trong Trung tâm thương mại The Garden Mall (Q.5), có diện tích gần 3.000m2 (gấp 10 lần diện tích một nhà sách loại lớn), với khoảng 50.000 đầu sách nội và gần 1 triệu bản sách ngoại văn. Xung quanh khu kệ sách bố trí những hàng ghế các loại để phục vụ cho việc đọc sách của nhiều lứa tuổi.

Vào ngày 19/1 vừa qua, Thành phố sách thứ 2 đã được khai trương tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (Q.10). Tham quan các thành phố sách sẽ thấy không chỉ có sách mà còn là không gian của văn hóa và thưởng thức văn hóa.

Như với chủ đề "Rừng sách nhiệt đới", Thành phố sách ở The Garden Mall chú trọng tạo mảng cây xanh mang đến không gian dễ chịu cho độc giả; Thành phố sách ở Vạn Hạnh Mall có phong cách lãng mạn theo lối kiến trúc "góc châu Âu giữa lòng thành phố" và tập trung các đầu sách học thuật - nghiên cứu, giải trí... nhập từ nước ngoài.

Tại các thành phố sách còn diễn ra nhiều hoạt động như cắm trại Book City Tour, ca nhạc, giao lưu ra mắt sách... Như vậy, các thành phố sách cũng hứa hẹn là điểm tham quan văn hóa thú vị cho cả du khách khi đến TP.HCM.

Có thể nói, dù gặp những khó khăn nhất định trong việc xây dựng, đầu tư, duy trì và phát triển các đường sách, thành phố sách ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhưng rõ ràng sự ra đời của chúng bước đầu đã góp phần làm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và lan tỏa, truyền cảm hứng về văn hóa đọc và khuyến đọc cho cộng đồng.

Khánh Bình - Doanh nhân Sài Gòn

Bài gốc

See this gallery in the original post