Sáng kiến cộng đồng

View Original

Thiết bị điều khiển nông nghiệp cao “made in” Việt Nam, giá rẻ bất ngờ

Thiết bị có khả năng điều khiển tự động tất cả các yếu tố mà cây trồng cần, đồng thời tự động đưa ra các cảnh báo, tư vấn cho người sản xuất. Đặc biệt, thiết bị rẻ bằng 1/20 so với nhập ngoại.

Tôi biết TS Nguyễn Văn Quy, Khoa Nông học, Đại học Nông lâm Huế, chủ nhiệm đề tài từ nhiều năm trước, khi anh là tác giả của mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống vườn treo khá nổi tiếng.

Bẵng đi vài năm, gặp lại, anh “khoe” vừa cùng đồng nghiệp đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thừa Thiên Huế 2017 với sản phẩm mới là bộ điều khiển nông nghiệp.

Thiết bị đơn giản nhưng mang lại hiệu quả không ngờ

Trước thắc mắc bộ điều khiển nông nghiệp không phải là sản phẩm mới, thị trường đã có nhiều, TS Nguyễn Văn Quy cho biết, mặc dù trong lĩnh vực nông nghiệp, các bộ điều khiển nông nghiệp không phải đồ hiếm, thậm chí còn rất phổ biến.

Tuy nhiên, hầu hết đây đều là sản phẩm nhập khẩu, giá thành đắt (60-80 triệu đồng/bộ), vận hành phức tạp, chưa phù hợp với khí hậu Việt Nam. Một số công ty trong nước cũng thiết kế song chức năng chưa đầy đủ, chưa có khả năng lưu trữ thông tin…

Từ thực tế này, TS Nguyễn Văn Quy và các cộng sự bắt tay thiết kế một bộ nông nghiệp với mục đích là giá thành rẻ, dễ vận hành, phù hợp với khí hậu Việt Nam...

Thiết bị gồm 4 hệ thống (hệ thống tiến nhận thông tin, hệ thống xử lý thông tin, hệ thống chuyền dẫn thông tin và hệ thống điều khiển các thiết bị thay đổi môi trường).

Việc vận hành hệ thống khá đơn giản. 9 cảm biến (CB) nằm trong hệ thống tiếp nhận thông tin như CB nhiệt độ, CB ẩm độ không khí, CB ẩm độ đất, CB pH đất… sẽ được treo tại những vị trị đặc trưng. Các cảm biến này sẽ nhận các tín hiệu về môi trường, sau đó mã hóa chúng và chuyển bằng sóng RF về bộ điều khiển trung tâm.

Bộ điều khiển trung tâm sẽ giải mã các sóng RF và chuyển thành các tín hiệu cụ thể về các yếu tố môi trường. Các yếu tố này sẽ được hiển thị lên màn hình, chuyển bằng sóng wifi lên hệ thống wifi và đưa vào so sánh với các thông số cài đặt.

Bằng việc so sánh với các thông số, bộ điều khiển trung tâm sẽ quyết định đóng mở các thiết bị chăm sóc cho cây trồng. Ngoài ra, bộ điều khiển cũng gửi tín hiệu bằng sóng wifi lên hệ thống mạng LAN để lưu trữ lại toàn bộ thông tin quá trình chăm sóc cho cây trồng.

Tác giả trong ngày nhận giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật Thừa Thiên Huế cho sản phẩm bộ điều khiển nông nghiệp.

TS Nguyễn Văn Quy cho biết, khi thiết kế sản phẩm, khó nhất là ở phần công nghệ, lựa chọn công nghệ nào phải đảm bảo rẻ mà lại đạt hiệu quả cao. Công nghệ không dây (sóng RF) để kết nối các cảm biến, bộ điều khiển trung tâm và các thiết bị thay đổi môi trường được các nhà khoa học lựa chọn. Việc sử dụng công nghệ không dây sẽ giúp mở rộng được phạm vi lắp đặt các cảm biến từ đó sẽ thu thập được dữ liệu trên một phạm vi rộng và chính xác hơn….

Một điểm nổi bật nữa về công nghệ là tích hợp hệ thống phát wifi. Việc tích hợp hệ thống phát wifi sẽ đẩy toàn bộ thông tin lên hệ thống mạng, từ đó giúp lưu trữ thông tin phục vụ việc chăm sóc cây trồng cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Có thể thay thế lao động phổ thông

TS Nguyễn Văn Quy cho biết, sản phẩm có giá khoảng 5 triệu đồng (bằng 1/20 so với nhập ngoại).

“Với giá thành 5 triệu đồng, thời gian sử dụng 5 năm, như vậy chi phí khấu hao cho một ngày là 2.740 đồng, cộng với 1.000 đồng tiền điện là 3.740 đồng tổng chi phí cho một ngày. Bộ điều khiển có khả năng thay thế cho hai công lao động phổ thông. Giá công lao động phổ thông khoảng 200.000 đ/ngày. Như vậy, mỗi ngày bộ điều khiển sẽ giúp người sản xuất tiết kiệm được 396.260 đồng”, TS Quy phân tích.

Điều đáng nói, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, sản phẩm còn mang lại hiệu quả về kỹ thuật. Do điều khiển tự động tất cả các yếu tố mà cây trồng cần nên cây trồng sinh trưởng tốt, năng suất cao. Sản phẩm có thể áp dụng cho cả quy mô sản xuất vừa và nhỏ.

TS Nguyễn Văn Quy bật mí, đã 3 trang trại công nghệ cao tại TP Huế và 1 cho trang trại trồng dưa lưới tại huyện Củ Chi, TP HCM áp dụng bộ thiết bị này. Anh cũng dự định sản xuất ở quy mô lớn và tung ra thị trường vào thời gian tới.

Minh Anh - Báo Khám phá

See this gallery in the original post