Rác thải… có ích
Nữ giáo viên môn sinh học ở Quảng Bình vừa thành công với ý tưởng 'biến' rác thải thành những vật dụng có ích, một thông điệp bảo vệ môi trường không thể hấp dẫn và thú vị hơn!
Kết quả “khảo sát” mà cô giáo Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, Trường THPT Hùng Vương, ở xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch, Quảng Bình) thu được sau khi phát phiếu điều tra đến 890 học sinh ở 25 lớp về tác hại của bao ni lon và nhựa đối với môi trường sinh thái đã hé lộ một sự thật: không phải học sinh nào cũng tường tận về ô nhiễm môi trường, nhất là tác hại với chính sức khỏe của bản thân.
Số lượng người tham gia tái chế rác thải ở trường học và gia đình cũng chưa nhiều; hầu hết bỏ rác thải không đúng nơi quy định, còn rác thực vật thì chủ yếu... quẳng ra môi trường chung quanh.
Ý tưởng xanh
Thực tế này đã thôi thúc cô Nga nghĩ chuyện tái chế rác, mà việc tạo phân hữu cơ từ rác thực vật là một trong các phương án hữu hiệu mà cô theo đuổi. Đầu tiên phải chọn nơi có địa hình cao ráo trong khuôn viên trường, thoát nước tốt, xa khu vực vui chơi và học tập của học sinh rồi đào hố khoảng 2x2m, sâu 1 m.
Miệng hố tạo gờ để chống nước mưa tràn vào, sau đó lót bạt dưới đáy, cho một ít đất tơi xốp dày khoảng 10 cm, bổ sung ít giun đất. Lớp phía trên là hỗn hợp gồm 70% rác thực vật (như lá phượng, rác từ cắt tỉa hoa trong trường, cỏ từ các bồn hoa) cắt nhỏ bằng máy cắt chuối, trộn với 2% đạm và ka li, thêm phân men (phân chuồng, lân). Sau đó tưới nước đảm bảo độ ẩm, phủ trên bề mặt một lớp đất mỏng 1 - 2 cm rồi dùng bạt phủ kín…
Cứ thế, đến cuối tuần lại thu gom rác cắt nhỏ, trộn đều thành mẻ thứ hai, cho vào hố và đảo đều với mẻ thứ nhất. Cứ làm như vậy cho đến khi đầy hố. Cuối tháng thứ 2, hố sẽ cho ra một lượng phân bón và mang dùng cho các bồn hoa trong trường, vườm ươm hoa và nghề rừng…
Rác thải hữu cơ ở nhà cũng được xử lý theo quy trình tương tự, có thể dùng thùng xốp nhỏ thay vì đào hố đất. Sau khoảng 1 - 2 tuần ủ, thùng phân xanh đã sẵn sàng phát huy tác dụng để bón cho cây, hoặc mang cây trồng trực tiếp lên thùng ủ phân.
Còn với chất thải nhựa? Các vỏ chai nhựa cũng được cô Nga đưa vào ý tưởng… tái chế làm dụng cụ học tập: chậu cây cảnh hoặc chậu cây môn sinh học lớp 11 từ chai nhựa. Những thứ tưởng vô dụng, bỏ đi nay được cắt tỉa, trang trí (bằng giấy gói quà đã sử dụng, giấy gián tường, vải, keo nến); rải một ít sỏi dưới đáy chậu tạo độ thoáng khí và thoát nước, thêm hỗn hợp đất tơi xốp và phân hữu cơ, sau đó trồng cây.
Mô hình ấy đã thuyết phục và huy động rất đông học sinh, đoàn viên – thanh niên tham gia. Với chủ nhân của ý tưởng, điều mà cô giáo Nga tâm đắc là tạo ra hiệu quả “2 trong 1”: vừa góp phần bảo vệ môi trường sống, vừa tăng tính sáng tạo cho học sinh. “Học đi đôi với hành, các em hiểu sâu hơn về kiến thức các môn học và kỹ năng vận dụng các kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn”, cô giáo Nga nói.
Đây cũng là nguyên do khiến cô tìm mọi cách tổ chức trò chơi tái chế rác thải, chuyển tải thông điệp đến với các bạn trẻ ở địa phương trong dịp nghỉ hè vừa qua, và linh hoạt đưa vào thảo luận tại các tiết sinh hoạt lớp…
Theo Khánh Ngọc (Thanh Niên)