Sáng kiến cộng đồng

View Original

Chàng sinh viên xứ Quảng mang "bàn tay robot" chi phí 3 triệu đồng đến với người khuyết tật nghèo

See this content in the original post

Sau nhiều lần thử nghiệm, sinh viên Ngô Văn Dết (sinh năm 1996) khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đã chế tạo thành công “bàn tay robot” cho người khuyết tật.

Hơn 8 tháng miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu các hoạt động, cử động bàn tay và các mô hình trên thế giới, sinh viên Ngô Văn Dết đã chế tạo thành công “bàn tay robot” với mong muốn tất cả người khuyết tật nghèo đều có điều kiện sử dụng bàn tay robot, hòa nhập với cộng đồng, tham gia mọi công việc.

Sinh viên Ngô Văn Dết chế tạo bàn tay robot cho người khuyết tật sử dụng.

Dết cho biết: “Bàn tay robot hoạt động bằng lực thông qua cảm biến áp suất. Khi cảm biến áp suất nhận lực từ phần cơ tay sẽ truyền tín hiệu lực đến bộ vi xử lý, động cơ kéo dây và các ngón tay có thể nắm lại tự nhiên theo ý muốn, việc cầm nắm dễ dàng hơn nhờ được cố định bằng các chốt đàn hồi”.

Nguyên lý hoạt động của bàn tay robot rất đơn giản, sau khi cấp nguồn cho arduino, servo và cảm biến, ta tác dụng lên cảm biến, giá trị điện trở của cảm biến sẽ thay đổi từ thấp đến cao tùy theo lực tác dụng. Tín hiệu được truyền đến để xử lý, các ngón tay nắm lại, tùy vào độ to nhỏ của vật mà ta tác dụng lực nhất định vào cảm biến đủ để các ngón tay có thể nắm chắc được vật. Khi không có lực tác dụng lên cảm biến, các ngón tay sẽ mở ra.

Về chất liệu làm bàn tay robot, Dết sử dụng chất liệu nhựa in 3D, chốt nhựa dẻo đàn hồi kết nối các đốt ngón tay. Để duy trì hoạt động bàn tay robot, người sử dụng có thể sạc pin ngoài.

Ông Lê Quang Trọng (72 tuổi, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) bị mất bàn tay, ông đã trải qua một quá trình sử dụng bàn tay giả với số tiền khoảng 100 triệu đồng.


Ông Trọng cảm thấy rất thoải mái sau khi lắp bàn tay robot.

Tuy nhiên, việc cử động, sinh hoạt của ông vẫn còn nhiều khó khăn. Sau khi được Dết lắp thử bàn tay robot, ông cảm thấy thuận tiện hơn trong cử động.

Ông Trọng cho biết: “Những người khuyết tật như chúng tôi có thể vì nhiều lý do mà mất đi bàn tay của mình và từ đó, cuộc sống thường nhật cũng trở nên rất khó khăn. Sản phẩm của Dết rất đơn giản và dễ sử dụng, tôi rất mong muốn nhiều người khuyết tật có thể được sử dụng những bàn tay robot này để cải thiện cuộc sống”.

Dết cho biết: “Em mong rằng sản phẩm này có thể đến được người cần sử dụng, với giá thành chỉ khoảng 3-4 triệu. Hiện tại, việc tiến hành thử nghiệm và xây dựng sản phẩm của riêng em đã tốn chi phí 6 triệu đồng. Nếu loại bỏ những chi tiết không cần thiết, đơn giản hóa hoạt động thì chi phí chỉ khoảng 3 triệu đồng”.

Sản phẩm “bàn tay robot” của Dết vừa được giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường do Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) tổ chức.

Theo Nguyễn Trang (SGGP)

See this content in the original post